00:00 Số lượt truy cập: 3083761

Hiệu quả từ Chương trình gieo tinh nhân tạo trên đàn bò ở Bến Tre 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, mặc dù phong trào chăn nuôi bò phát triển chậm trở lại, nhưng Bến Tre vẫn là địa phương có đàn bò lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với trên 170.500 con, tập trung ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày và Bình Đại. Trước đây, người chăn nuôi hướng vào bò giống, chính vì thế, phong trào Zebu hóa, tức dùng tinh bò Sind, Brhaman cho lai với đàn bò địa phuơng đã đạt trên 80%. Đây chính là cơ sở để phong trào chăn nuôi bò ở Bến Tre tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng bò thịt.


Để phong trào chăn nuôi bò trong tỉnh mang tính chất bền vững, bảo đảm năng suất, chất lượng thịt tốt nhất phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của xã hội, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm Bến Tre đã thực hiện chương trình gieo tinh nhân tạo trên đàn bò. Đây là biện pháp được đánh giá nhanh, hiệu quả. Mục tiêu của chương trình này nhằm tiếp tục cải tạo đàn bò, làm thay đổi cơ cấu giống về số lượng, chất lượng, phục vụ cho chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển đàn bò đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong những năm đầu, chương trình hướng đến nhóm bò giống zebu, cụ thể là bò Brhman để tạo đàn bó nái nền. Sau đó, tiếp tục lai tạo các giống bò siêu thịt như bò Limousine, Red Angus, Droughmaster.

Qua 2 năm thực hiện, chương trình gieo tinh nhân tạo trên đàn bò đã đạt được những kết quả khả quan. Chương trình đã tổ chức được 23 lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, đồng thời in ấn tài liệu tuyên truyền chăn nuôi bò cho bà con nông dân trong toàn tỉnh. Chương trình đã đào tạo 28 dẫn tinh viên ở các huyện, thị. Hiện nay, số dẫn tinh viên này đang hoạt động hiệu quả. Chương trình gieo tinh nhân tạo trên đàn bò đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Qua 2 năm, chương trình thực hiện 10.350 liều tinh. Sản phẩm thu được là những bò Lai sinh ra có từ 50 đến 87% máu lai nhóm zebu Brhman và nhóm bò thịt chất lượng cao như Limousone, Red Angus. Đa số các bò lai đều có ngoại hình đẹp, sức tăng trưởng nhanh, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người chăn nuôi.

Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán của Ban chủ nhiệm chương trình, với 10.350 liều tinh, tỷ lệ đậu thai 70% thì số bê sinh ra 724 con sau khi trừ hao hụt 10%. Trong đó, tỷ lệ bê đực 50% và bê cái là 50%. Sau 6 tháng nuôi, bê đực có giá trung bình 6 triệu đồng/con, chương trình thu được gần 20 tỷ đồng. Bê cái sau một năm tuổi được chọn làm nền có giá khoảng 10 triệu đồng/con và số bê loại thải có giá 5 triệu đồng/con thì số tiền thu được trên 20 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thu được khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài giá trị kinh tế, chương trình gieo tinh nhân tạo trên bò còn mang lại hiệu quả xã hội, làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi. Từ chổ người chăn nuôi chỉ quan tâm đến màu lông, xoáy, tích…đến nay, nông dân đã quan tâm đến trọng lượng, năng suất, sức sinh trưởng và tốc độ tăng trọng của bò. Trong đó, huyện Ba Tri đã thay đổi nhận thức rất lớn, là đơn vị đi đầu trong phong trào gieo tinh nhân tạo bò. Cụ thể là, có khoảng 40% bò nái sinh sản được gieo tinh. Cùng với guyện Ba Tri, Huyện Bình Đại cũng là địa phương có phong trào cải tạo đàn bò khá tốt trong thời gian vừa qua. Huyện Bình Đại hiện có 40% bò lai Red Angus và Limousine.

Trong hướng tới, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm Bến Tre sẽ thực hiện dự án cải tiến và nâng cao chất lượng đàn bò thịt Việt Nam giai đoạn 2006-2010 bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo do Cục chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đầu tư. Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, nâng cao tay nghề đồng thời củng cố mạng lưới dẫn tinh viên ở các huyện còn hoạt động yếu. Dự kiến, trong năm 2009, Trung tâm sẽ thực hiện 13 ngàn liều tinh, đồng thời tổ chức 20 lớp tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi trong tỉnh.