Nhắc tới hươu, nai thường người ta nghĩ tới loài động vật hoang dã ít được nuôi và nhân rộng. Trên địa bàn Quảng Ninh trước đây, đã có một vài hộ nuôi hươu sao ở huyện Hoành Bồ, nhưng mới nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, chỉ vài ba con.
Nuôi hươu, nai đang là hướng đi mới cho phát triển kinh tế trang trại tập trung của gia đình ông Đoàn Quang Ngọc.
Đưa chúng tôi đi thăm khu trang trại, ông Ngọc vui vẻ cho biết, đối với ông, nuôi hươu, nai không phải là mới mẻ. Từ năm 2000, nhà ông đã nuôi hươu, nai rồi, nhưng lúc đó do điều kiện kinh tế eo hẹp nên chỉ nuôi được 4 con hươu, nai để tận dụng diện tích 2ha đất đồi của nhà. Qua quá trình nuôi, ông nhận thấy 2 loài động vật này phát triển tốt, ổn định và phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây. Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển mô hình kinh tế trang trại tập trung, thuê máy san gạt diện tích đất để phát triển chăn nuôi, với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Vợ chồng ông bàn tính đưa hươu, nai vào nuôi để lấy nhung vì lúc đó ở Quảng Ninh rất ít người nuôi hươu, nai nên sản phẩm nhung rất có giá trị trên thị trường. Để nuôi được hiệu quả, ngoài kinh nghiệm có sẵn từ trước, ông vào Nghệ An, nhờ người quen tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và phương thức chăn nuôi, chăm sóc hươu, nai. Sau khi tìm hiểu kỹ, đầu năm 2013 ông đầu tư 700 triệu đồng để mua 10 con nai và 20 con hươu đã trưởng thành từ Nghệ An.
Việc nuôi hươu và nai theo hình thức nuôi nhốt cần một chế độ chăm sóc hết sức cần mẫn, tỉ mỉ nên khu vực nuôi phải làm quy mô, bài bản, phù hợp với không gian và diện tích của 2 loài này. Ông Ngọc đã xây dựng một nhà nuôi có diện tích 150m2, có cột bằng trụ bê tông, tường được xây lửng để cho chuồng được thông thoáng, mái lợp bằng tôn. Nhà nuôi chia thành 24 chuồng nhỏ được đóng bằng gỗ, nhằm ngăn riêng mỗi ô 1 con đối với nai, còn hươu thì nhốt 2 con một ô. Vì đây là động vật hoang dã, không ăn các thức ăn liên quan tới chế biến hay tinh bột, nên ông chủ yếu cho chúng ăn cỏ, cây lá trong tự nhiên và được cắt thái nhỏ. Bên cạnh đó, cần phải theo dõi thường xuyên dịch bệnh, thông thường hai loài này thường mắc bệnh đi ngoài nên việc vệ sinh chuồng trại rất quan trọng, định kỳ hàng năm phải tiến hành phun thuốc khử trùng, ngăn ngừa dịch bệnh.
Được biết, để đảm bảo việc nuôi hươu, nai ổn định, ông Ngọc còn thuê 2 người có kinh nghiệm trong nghề nuôi hươu, nai ở trong Nghệ An ra trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc. Sau hơn 1 năm nuôi, hươu, nai của gia đình ông Ngọc hiện nay đã phát triển tốt. Tuy mới nuôi nhưng một số con đã cho ông thu được nhung, trung bình mỗi con cho thu hoạch được 6-8 lạng nhung/đợt. Hiện nay, giá nhung hươu trên thị trường có giá khá cao khoảng 1,8 triệu đồng/lạng. Ông Ngọc cho biết thêm, nhung hươu, nai thường ra không cố định trung bình mùa nhung ra khoảng tháng 2 âm lịch, việc thu hoạch còn tuỳ thuộc vào thời gian, và độ tuổi của nhung chứ không nhất thiết phải cắt ngay. Đặc biệt, sau khi cắt nhung chú ý chăm sóc cẩn thận hơn, cho ăn tốt hơn.
Ngoài việc nuôi hươu, nai lấy nhung, gia đình ông Ngọc còn nuôi thêm 300 con lợn rừng và trồng trên 3.000 hốc thanh long. Với mô hình trang trại chăn nuôi tập trung này, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Ngọc thu nhập khoảng 700 trăm triệu đồng. Tuy mới nuôi trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả của việc nuôi hươu, nai đã đem lại hiệu quả kinh tế, là bước đi mới cho mô hình phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. Đây là một trong những mô hình điểm cho phát triển kinh tế trang trại hiệu quả và quy mô lớn của TP Uông Bí.
Dương Trường