Hồ Liếp vốn là du kích địa phương từ năm 1974 đến năm 1976. ông lập gia đình sau ngày đất nước thống nhất, lúc đó cuộc sống rất khó khăn. Không cam chịu phận nghèo, vợ chồng Hồ Liếp bàn nhau làm giàu để nuôi con và cải thiện đời sống. Bằng các khoản tiền vay và số vốn tích lũy được, ông bà tích cực khai hoang và trồng 3ha bời lời, 2ha rừng tràm. Từ ngày có rừng, vợ chồng ông hăng say lao động hơn. Ông thường khuyên nhủ các con phải tích cực chăm sóc rừng, vì đó chính là nguồn thu nhập chính. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, những khoản thu ban đầu từ rừng được vợ chồng ông quay vòng để mua 2 cặp trâu về nuôi, dần dà số trâu đã tăng gấp đôi. ông tiếp tục mua bò về thả trong rừng, vừa tận dụng nguồn cỏ lại vừa đỡ tốn công phát rẫy. Đến nay tổng đàn trâu - bò của gia đình Hồ Liếp đã lên đến 30 con. Không bằng lòng với những gì đang có, ông đào thêm 400m2 ao thả cá trắm, mè, rô phi. Hàng ngày, ông đi cắt lá sắn, cỏ về làm thức ăn cho cá, còn bà tranh thủ chăm mấy con lợn, dê trong vườn. Đến nay, sau 5 năm chăm chỉ làm ăn, thu nhập của gia đình Hồ Liếp đạt khoảng 40 triệu đồng/năm. Tất cả 6 người con của vợ chồng ông đều được nuôi ăn học đàng hoàng, những người con trưởng thành đều được ông dựng vợ gả chồng rồi cho vốn liếng làm ăn riêng. Từ một gia đình có hoàn cảnh nghèo khó, nhờ biết áp dụng những mô hình kinh tế hiệu quả, biết tận dụng lợi thế và nhất là biết tính toán khoa học, Hồ Liếp đã làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Mô hình kinh tế của ông chính đã tác động, thôi thúc nhiều gia đình khác trong thôn học hỏi làm theo, tạo nên phong trào làm kinh tế sôi động ở vùng biên khắc nghiệt này. |