Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu xuất khẩu đang ở mức khá cao, thế nhưng điều đáng tiếc đang xảy ra, đó là năng suất hồ tiêu trong vụ thu hoạch vừa qua đã giảm 40%. Nguyên nhân là do việc chăm sóc không đúng cách.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuận Nông nghiệp miền Nam, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là, để tăng năng suất cây tiêu, nhiều hộ dân đã lạm dụng phân bón quá mức khiến đất trồng tiêu bị thoái hóa, khả năng đề kháng bệnh tật của cây tiêu giảm. Hiện có khoảng 80% diện tích trồng tiêu trong cả nước đang bị bệnh tuyến trùng.
Dù đang được giá, nhưng năng suất hồ tiêu đã giảm 40% do cách chăm sóc không đúng cách. Ảnh: Internet. |
Trước tình hình này, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cũng đã có khuyến cáo đến người trồng tiêu nên rút kinh nghiệm bài học từ Ấn Độ và Indonesia. Ở hai nước này cũng đã từng xảy ra việc năng suất cây tiêu tăng 1 vài vụ, nhưng sau đó hàng chục ha trồng tiêu giảm, năng suất giảm liên tục chỉ còn dưới 1 tấn/ha, khiến các nhà trồng tiêu ở 2 nước này đã mất vị thế của mình trên thị trường hồ tiêu thế giới. Viễn cảnh này cũng đang xảy ra đối với người trồng tiêu Việt Nam khi năng suất giảm 40% trong vụ tiêu vừa qua.
Các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới cũng đã có cảnh báo về chất lượng tiêu của Việt Nam. Nếu không có biện pháp lâu dài thì tính bền vững sẽ không đảm bảo, và sẽ lặp lại quy trình của Indonesia, Ấn Độ như những năm trước đây. Một chất lượng bền vững, một thương hiệu tốt thì mới có thể ăn sâu trong gốc dễ của người tiêu dùng, mới có chỗ đứng vững chắc. Nhưng từ trước đến nay, sự quan tâm đến thương hiệu vẫn còn hạn chế.
Nếu chúng ta không có những giải pháp tích cực khắc phục tình trạng này thì đây chính là mối lo về nguồn nguyên liệu tiêu trong những năm tới đây.