00:00 Số lượt truy cập: 3071962

Hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho khoa học, công nghệ phát triển 

Được đăng : 03/11/2016
Ngày 25-7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học công nghệ (KH&CN) chủ yếu giai đoạn 2011-2015, theo đó tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.

Ðây là những nhiệm vụ KHCN khó khăn và cấp bách, nhưng có tính khả thi cao bởi đã có nền tảng cơ sở pháp lý và bộ máy quản lý hoạt động KH&CN được xây dựng, hoàn thiện và đổi mới căn bản trong gần mười năm qua.

Ngay khi hoạt động với tên gọi Bộ Khoa học và Công nghệ, vào thời điểm đất  nước đã bước vào hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, những người làm công tác quản lý KHCN đã đặt lên vai mình trọng trách lớn. Ðó là làm thế nào để đưa KHCN thật sự bám sát và phục vụ phát triển kinh tế, trở thành đòn bẩy cho hoạt động doanh nghiệp, làm nền tảng tạo sức cạnh tranh cho các ngành kinh tế.

Ngay từ năm 2004, Ðề án Ðổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH & CN hoàn thành và được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo thực hiện một cách bài bản, kiên định trong nhiều năm, với các giải pháp đồng bộ, cụ thể, trong đó việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN luôn là nhiệm vụ được ngành quan tâm hàng đầu. Nhờ vậy, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và những người đam mê với hoạt động nghiên cứu có điều kiện phát triển trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay, sáu luật chuyên ngành quan trọng cùng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành cấp Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ trưởng đã được xây dựng với tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn, phù hợp trình độ phát triển của nền kinh tế và đón đầu sự phát triển trong tương lai. Tiếp theo các Luật Khoa học và Công nghệ; Sở hữu trí tuệ; Chuyển giao công nghệ; Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Năng lượng nguyên tử và Luật Công nghệ cao đã và đang đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong một chỉnh thể thống nhất, có tính khai thông và bổ trợ lẫn nhau, các đạo luật này đã thật sự tạo bước chuyển biến tích cực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo động lực cho KH&CN phát triển thông qua khả năng định tính, định lượng, định giá các tài sản trí tuệ, các giải pháp công nghệ, biến các sản phẩm trí tuệ vô hình thành các sản phẩm hàng hóa có thể trao đổi, chuyển giao, có sức cạnh tranh.

Chỉ riêng trong năm năm qua, thị trường công nghệ của Việt Nam mặc dù mới được hình thành nhưng đã có nhiều khởi sắc và hứa hẹn tiềm năng to lớn. Giá trị các giao dịch, mua bán công nghệ tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2002-2005, tốc độ tăng trung bình hằng năm đạt 34%. Nhiều thành tựu khoa học về nông, công nghiệp, y dược, v.v. được áp  dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động KHCN, nhiều nhiệm vụ cụ thể được chỉ đạo thực hiện về hệ thống các Chương trình KHCN quốc gia, kiện toàn cơ bản tổ chức bộ máy quản lý KHCN, đề ra các cơ chế chính sách KHCN thiết thực, cụ thể ở nhiều cấp độ nhằm đưa các luật về KHCN đi vào cuộc sống.

Cùng với các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, hệ thống các chương trình KHCN quốc gia là giải pháp mang tính hành động và thực tiễn cao, hỗ trợ có trọng điểm, hướng trực tiếp vào các doanh nghiệp - chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ, hay các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KH&CN. Hệ thống các chương trình quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ nhất trí ủng hộ tập trung nguồn lực thực hiện.