00:00 Số lượt truy cập: 3064522

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Ứng phó nhanh khi dịch cúm gia cầm bùng phát 

Được đăng : 03/11/2016

Ngày 18-4, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Văn phòng Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện giai đoạn II dự án “Phòng, chống dịch cúm gia cầm và chuẩn bị đối phó với đại dịch cúm ở người”.


Giáo sư Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chữ thập đỏ Việt Nam; bà Miss Irja Sandberg, Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế tại Việt Nam đã tới dự.

Được sự tài trợ của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, từ tháng 9-2006 đến tháng 4-2007, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai giai đoạn II “Dự án phòng, chống cúm gia cầm và chuẩn bị đối phó với đại dịch cúm ở người”. Dự án này có tổng kinh phí khoảng 3,2 tỉ đồng nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó trong tình trạng khẩn cấp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trước đại dịch; nâng cao hiểu biết cho người dân tại cộng đồng về sự nguy hiểm cúm gia cầm. Trong quá trình triển khai, Hội Chữ thập đỏ đã cung cấp cho 64 tỉnh, thành phố trong cả nước 15.000 cuốn tài liệu, 238.000 tờ rơi, gần 246 tờ áp phích, 80.000 bức ảnh, 716 băng cát-sét để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi các hành vi sinh hoạt trong cộng đồng khi có dịch cúm; Đồng thời tổ chức các cuộc thi kiến thức, kỹ năng phòng, chống cúm gia cầm cho hàng nghìn học sinh, sinh viên. Hội Chữ thập đỏ cũng đã phân phát 135.300 bánh xà phòng và tuyên truyền tới 108.900 hộ gia đình về nguy cơ đại dịch, cách phòng, chống dịch cúm. Đối tượng lựa chọn chủ yếu là các gia đình nghèo, vùng nông thôn, những hộ chăn nuôi gia cầm.

Phát biểu tại hội nghị, bà Miss Irja Sandberg cho rằng, cúm gia cầm là một bệnh rất nguy hiểm, trong đó Việt Nam là quốc gia đáng được quan tâm. Việt Nam cần nhận được sự hợp tác của các tổ chức quốc tế về vấn đề này, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án chính là giúp người dân tự bảo vệ mình trước nguy cơ đại dịch. Bà nói: “Tôi rất cảm kích khi biết, có hàng nghìn tình nguyện viên, những người do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đào tạo, hướng dẫn đã trực tiếp đến với cộng đồng, có sứ mệnh giúp họ nâng cao nhận thức, kỹ năng để phòng, chống cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người. Tôi hài lòng với những gì mà Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã làm, nhất là sự ứng phó nhanh khi có tình huống, và vì thế, đã góp phần cùng với các ngành hữu trách dập tắt được dịch cúm gia cầm bùng phát vào cuối năm 2006 vừa qua”.


Dự án “Phòng, chống dịch cúm gia cầm và chuẩn bị đối phó với đại dịch cúm ở người” giai đoạn III, do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành, sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.