00:00 Số lượt truy cập: 2637629

Hội Nông dân tỉnh Hải Dương thực hiện chuyển giao KHKT cho hội viên 

Được đăng : 03/11/2016

Thực hiện Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/05/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020; Hội Nông dân tỉnh hải Dương đã chủ động xây dựng và thực hiện Chương trình phối hợp với các Sở, ngành trong tỉnh đạt hiệu quả.


Hội Nông dân các cấp đã phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình, giúp nông dân quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản quy mô hàng chục ha mỗi vùng như ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành, Kinh Môn; quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả, rau màu, vùng chăn nuôi, thủy sản tập trung ở các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Gia Lộc, Tứ Kỳ, thị xã Chí Linh…; phối hợp chỉ đạo, giúp đỡ xây dựng thương hiệu cho nông sản phẩm đặc trưng cho các vùng như: gà đồi an toàn xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh), vải thiều an toàn huyện Thanh Hà… nhằm tạo dựng và quảng bá các nông sản hàng hóa an toàn, chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Các cấp Hội tích cực vận động nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức được 2.754 lớp chuyển giao KHKT cho 176.354 lượt nông dân; Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm HND tỉnh đã tổ chức dạy nghề (chăn nuôi thú y, chăn nuôi gia cầm, Nuôi thuỷ sản nước ngọt, May CN) được 52 lớp nghề cho 1.820 học viên; tổ chức 97 lớp tập huấn cho 6.320 hội viên nông dân các kiến thức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; 25 lớp xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ cho 2.125 người tham dự và được hỗ trợ kinh phí gần 32 triệu đồng xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn, Hội thảo đầu bờ, giới thiệu, quảng bá tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi trên hầu khắp các địa phương trong tỉnh.

Điển hình như Hội Nông dân Gia Lộc xây dựng mô hình dưa Thanh Lê quy mô 10 ha ở xã Đoàn Thượng, bí xanh số 2 quy mô 5 ha ở xã Quang Minh, Hội Nông dân thị xã Chí Linh xâydựng mô hình Thanh Long ruột đỏ ở xã Hoàng Hoa Thám, mô hình rau an toàn quy mô 3 ha ở xã An Lạc…

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hỗ trợ 72,8 tấn phân NPK Lâm Thao để xây dựng 20 mô hình trình diễn về bón phân khép kín trên cây lúa, khoai tây, cà chua, vận động nông dân áp dụng quy trình chăn nuôi, cung ứng các sản phẩm thịt lợn và gà an toàn theo tiêu chuẩn GAHP ở các xã như: Hiến Thành (Kinh Môn), Thanh Lang (Thanh Hà), Đồng Tâm (Ninh Giang), Tân Trường (Cẩm Giàng)… Hội Nông dân các cấp đã tổ chức trên 200 buổi tham quan học tập các mô hình hay ở trong và ngoài tỉnh cho 13.745 lượt nông dân giao lưu, học tập, rút kinh nghiệm…nhằm nhân rộng các mô hình phù hợp, có hiệu quả cao và bền vững.

Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện 3 dự án, đề tài: Đề tài “ Xây dựng mô hình chăn nuôi gà ri lai Lương Phượng trên địa bàn thị xã Chí Linh”, Hội Nông dân tỉnh đã giao 2.750 con gà giống, hỗ trợ 26,682 triệu đồng tiền thức ăn và thuốc thú y cho các hộ nông dân tham gia đề tài để phòng và điều trị bệnh cho đàn gà. Hiện nay, Hội nôngdân tỉnh đang triển khai giai đoạn 2 của đề tài.

Đề án “Hỗ trợ kinh phí mua phân bón trả chậm cho nông dân tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011- 2015”, Trung tâm hỗ trợ nông dân đã cung ứng được 652,26 tấn phân bón cho 4.934 hộ nông dân nghèo và cận nghèo ở 21 cơ sở trong tỉnh trị giá 4,160 tỷ đồng. Số tiền nông dân được hỗ trợ là trên 200 triệu đồng.

Đặc biệt thực hiện Dự án “Hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015”, đến nay, tổng cộng đã có 325 hộ nông dân mua 336 máy nông nghiệp các loại và ô tô tải nhẹ, được giải ngân với tổng số tiền là 31,152 tỷ đồng, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất vốn vay là trên 964 triệu đồng. Thông qua Dự án đã hình thành các tổ nhóm liên kết, hợp tác xã dịch vụ làm đất có hiệu quả kinh tế cao, giải phóng sức lao động, hạ giá thành làm đất. Thực hiện Dự án giúp nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, sản xuất kịp thời vụ, thúc đẩy nông dân dồn điền đổi thửa tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, những vùng sản xuất tập trung thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, thúc đẩy sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn./.