00:00 Số lượt truy cập: 3080049

Hội nghị Nông dân điển hình tiên tiến tỉnh Sóc Trăng lần thứ III 

Được đăng : 03/11/2016
Sáng ngày 26-4, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị Nông dân điển hình tiên tiến lần thứ III (2006-2010). Tham dự Hội nghị có ông Lê Hoàng Minh - Phó Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân Việt Nam, ông Lê Văn Cần - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện các Sở, Ban ngành, tổ chức, đoàn thể trong tỉnh và đại biểu là đại diện cho trên 150.000 hộ nông nghiệp trong tỉnh, những gương điển hình tiên tiến cho các phong trào cách mạng ở nông thôn.

Trong những năm qua, Hội Nông dân (HND) đã tổ chức phát động cho hội viên (HV), nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi với những mô hình thích hợp, khả thi. Hàng năm có trên 65% hộ nông nghiệp hăng hái tham gia thi đua sản xuất kinh doanh, có trên 80% số hộ đăng ký được công nhận. Để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, HND phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư cho 30.384 hộ được vay với số tiền là 263 tỉ 878 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư cho nông dân mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng giúp nông dân chủ động trong sản xuất kinh doanh. Hội cũng vận động “Quỹ hỗ trợ nông dân nghèo” được 966 triệu đồng, hỗ trợ cho 871 hộ HV nông dân nghèo phát triển sản xuất. Đồng thời, nhận ủy thác từ nguồn vốn Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương 400 triệu đồng phát vay cho 4 dự án “Trồng màu và chăn nuôi” của 4 câu lạc bộ nông dân ở các xã Thới An Hội (huyện Kế Sách), Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) và thị trấn Long Phú (huyện Long Phú).
Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi thu hút được nhiều sự tham gia của HV nông dân. Năm 2009 có 79.488 hộ đăng ký (chiếm 44,3% hộ nông nghiệp, tăng 12,6% so với năm 2006). Đến cuối năm bình xét công nhận được 68.305 hộ, đạt trên 80% so với hộ đăng ký, vượt 18,65% so với năm 2006. Trong đó, đạt cấp TW là 71 hộ, cấp tỉnh 4.037 hộ, cấp huyện (thành phố 10.832 hộ, cấp cơ sở có 53.265 hộ và có trên 20.000 hộ dân tộc Khmer. Thu nhập của hộ nông dân tăng hàng năm và ổn định. Bình quân đầu người trong tỉnh là 873 USD, tăng 389 USD so với năm 2006. Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả được nhân rộng. Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa đặc sản xuất khẩu ở huyện Ngã Năm; mô hình 2 lúa 1 màu ở Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành; mô hình 1 lúa 1 tôm ở Mỹ Xuyên... Nhiều tập thể, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Cụ thể: Hộ ông Huỳnh Ngọc Kiến (xã Mỹ Hương - Mỹ Tú) với mô hình VAC cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; hộ ông Sơn Nưl (phường 5, TP Sóc Trăng) với mô hình trồng lúa và làm dịch vụ cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; ông Vĩ Hoàng Khải (xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung) với mô hình trồng mía và làm dịch vụ mỗi năm thu nhập gần 500 triệu đồng… Đặc biệt, nhiều nữ nông dân với mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi gà công nghiệp của bà Lâm Thị Ngọc Tuyến (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỉ đồng; mô hình trồng lúa - nuôi ba ba của hộ bà Huỳnh Thị Nương cho thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm… Hàng ngàn hộ nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều hợp tác xã phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh như HTX 19/5 (phường 5, TP Sóc Trăng), HTX Thiều Văn Chổi (xã Ba Trinh, huyện Kế Sách), HTX bưởi 5 roi Kế Thành (huyện Kế Sách), HTX nuôi thủy sản (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Châu)…

Trong các hoạt động xây dựng nông thôn mới, nhiều cấp HND và HV đã đóng góp trên 123 tỉ 239 triệu đồng và 1.835.596 ngày công lao động. Xây dựng được 350 công trình. Tham gia xây dựng 38.091 nhà tình thương cho HV, nông dân nghèo. Nhiều gia đình đã có đóng góp lớn cho phong trào như hộ ông Từ Thành Gia (ấp Bưng Buối, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) vận động xây dựng đường giao thông nông thôn bằng ximăng nối liền các tổ dân cư trong ấp; hộ ông Trần Văn Đôi (ấp Mỹ Lợi A, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú) vận động đóng góp nâng cấp đường giao thông nông thôn trong địa phương; hộ ông Hà Văn Mười (xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung) hiến 6.000m2 đất xây trường học… Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng “Gia đình văn hóa”, hàng năm có trên 90% HV, nông dân đăng ký, đến nay có 208.128 hộ được công nhận và tái công nhận, trong đó có 115.000 hộ “Gia đình nông dân văn hóa”. Trong công tác thi đua xây dựng tổ chức HND vững mạnh, sau 5 năm đã phát triển được 62.655 hội viên, nâng tổng số HV toàn tỉnh lên 132.692 người, chiếm 74,08% so với hộ nông nghiệp và có trên 80% HV tham gia sinh hoạt thường xuyên. Cuối năm 2009 có 10/10 huyện, thành phố tiếp tục giữ vững danh hiệu vững mạnh; 95/105 cơ sở vững mạnh, 10 cơ sở khá, không có cơ sở yếu kém.

Với những thành tích đó, HND tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhất năm 2008, Huân chương lao động hạng Ba cho HND huyện Kế Sách năm 2009; cá nhân ông Huỳnh Thanh Giang được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba năm 2008; Thủ tướng Chính phủ tặng 25 Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân; TW HND Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc nhiệm kỳ 2003-2008 cho BCH HND tỉnh, tặng 277 Bằng khen cho tập thể và cá nhân tiêu biểu; UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc cho HND tỉnh năm 2008-2009, tặng 204 Bằng khen cho tập thể và cá nhân tiêu biểu.

Tại Hội nghị lần này, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng tặng Bằng khen cho 128 cá nhân tiêu biểu, HND tỉnh tặng giấy khen cho 22 cá nhân.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Minh - Phí Chủ tịch BCH TW HND Việt Nam biểu dương những thành tích mà HND tỉnh Sóc Trăng và các đơn vị, cá nhân đạt được trong những năm qua. Ông Lê Hoàng Minh nhấn mạnh: “Thành tích của HND Sóc Trăng đã góp phần tích cực vào thắng lợi chung của nông nghiệp tỉnh nhà. Phát huy những phẩm chất cao quý của người nông dân Việt Nam, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong các phong trào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ông Lê Hoàng Minh cũng lưu ý HND các cấp cần tiếp tục duy trì phong trào xây dựng tổ chức hội theo các tiêu chí; đẩy mạnh công tác xây dựng các mô hình làm ăn hợp lý, có hiệu quả; xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; các cấp hội chỉ đạo tốt công tác xây dựng mô hình liên kết 4 nhà để tạo sức mạnh cho nông nghiệp, tạo điều kiện tốt cho sản xuất tiêu thụ hàng hóa, nông sản; chú trọng công tác quy hoạch sản xuất theo vùng nguyên liệu trên địa bàn, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.