00:00 Số lượt truy cập: 3077121

Hồi sinh bưởi Đoan Hùng 

Được đăng : 03/11/2016
Sáng ngày 21/9/2010, nghe tin có hội thảo đầu bờ giới thiệu các biện pháp khắc phục hiện tượng bưởi Đoan Hùng mất mùa sau nhiều năm liên tục của Viện Nghiên cứu rau quả phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng tổ chức tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, có rất đông nông dân trồng bưởi kéo đến, hồi hộp chờ đợi để được chứng kiến những thành quả bước đầu về việc hồi sinh các giống bưởi đặc sản quê hương đất Tổ.

Tiếng loa điện cầm tay của thạc sĩ Nguyễn Việt Hưng, Trưởng nhóm nghiên cứu giới thiệu kỹ thuật thâm canh tổng hợp trong đó chú trọng các biện pháp cắt tỉa, tạo hình, bón phân, giữ ẩm, đặc biệt là thụ phấn bổ sung cho cây bưởi bằng nguồn phấn từ các hoa bưởi khác giống theo qui trình hướng dẫn của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả đã cho kết quả rất khả quan thu hút sự chú ý mọi người.

Theo anh Hưng, kỹ thuật thụ phân bổ sung nhằm làm tăng khả năng đậu quả của cây bưởi đã được nhiều nước, trong đó có Trung Quốc đưa vào áp dụng trong sản xuất đại trà từ nhiều năm nay. Kỹ thuật này đơn giản, dễ làm: hạt phấn được lấy từ những cây bưởi khác giống với cây bưởi cần thụ phấn bổ sung. Lấy những hoa vừa nở, dùng panh kẹp dứt bỏ hết các cánh và nhị hoa rồi cho vào đĩa petry hoặc cốc thủ tinh có nắp đậy. Việc thụ phấn được thực hiện thủ công bằng tay hoặc phun bằng máy bơm.

Trong trường hợp thụ phấn bằng tay, dùng hoa đã cho phấn quyét nhẹ lên đầu nhụy của các hoa cần thụ. Mỗi hoa lấy phấn có thể thụ được cho 8-10 hoa, mỗi ngày thụ 2 lần; buổi sáng từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30, buổi chiều từ 2 giờ đến 4 giờ. Thụ phấn bổ sung liên tục từ khi cây bắt đầu ra hoa cho đến khi tàn hoa. Hiện nay Viện đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện qui trình thụ phấn bổ sung bằng cách trộn phấn hoa với nước hoặc bột theo một tỷ lệ thích hợp để phun khi hoa nở. Hy vọng kỹ thuật này sẽ được áp dụng trong những năm tới nhằm giảm công lao động cho người nông dân.

Trên mô hình rộng gần 2ha trồng thuần giống bưởi đặc sản Chí Đám được thụ phấn bổ sung của 13 hộ gia đình ở thôn Chí Hải, xã Chí Đám thì hầu như cây nào cũng lúc lỉu quả; có cây đếm được tới trên 200 quả trong khi những vườn đối chứng nằm đối diện mặc dù vẫn sinh trưởng tốt nhưng hầu như không có quả hoặc nếu có chỉ dăm ba quả/cây mà không lớn được.

Anh Nguyễn Đức Hoạch, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Năm 2003 anh trồng 150 cây bưởi Chí Đám, hiện chỉ còn 40 cây nhưng chưa năm nào cho thu nhập. Năm ngoái cây vẫn ra nhiều hoa mà không đậu quả nên anh định chặt bỏ thì được sự hướng dẫn của Viện NC Rau quả và Trạm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là lấy hoa bưởi chua thụ phấn bổ sung thì năm nay cây nào cũng sai quả, dự kiến cho thu khoảng 30 triệu đồng.

Anh Nguyễn Trung Kiên phấn khởi nói: “Đây là năm đầu em có nguồn thu từ bưởi. Cả vườn còn lại 50 cây đếm được trên 1.000 quả dự kiến bán với giá thấp nhất 50.000 đồng/quả sẽ cho thu nhập không dưới 50 triệu đồng. Theo em, thụ phấn bổ sung cho bưởi không khó, chỉ cần chịu khó làm theo đúng cách, kết hợp chăm sóc, đầu tư đầy đủ hoặc trồng xen thêm các giống bưởi khác trong vườn để bổ sung thêm nguồn phấn cho cây như hướng dẫn của các nhà khoa học thì năm nào cũng cho thu hoạch cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. Tất cả các hộ tham gia mô hình năm nay đều có thu nhập cao từ cây bưởi”.

Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng, KS. Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao các kết quả bước đầu của các nhà khoa học, đồng thời kêu gọi các ban ngành của huyện phối hợp chặt chẽ với Viện NC Rau quả tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện qui trình kỹ thuật thâm canh tổng hợp này để hồi sinh bưởi đặc sản Đoan Hùng.
Giải thích về nguyên nhân làm cho cây bưởi Đoan Hùng mất mùa nhiều năm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện NC Rau quả, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: Qua điều tra, đánh giá thực trạng tại các vùng bưởi Đoan Hùng cho thấy tình trạng thiếu đầu tư, chăm sóc, đặc biệt là tình trạng trồng thuần loài, thuần giống qua nhiều năm làm mất đi tính đa dạng sinh học trên cây bưởi.

Trên một số giống bưởi (trong đó có các giống bưởi Đoan Hùng) có tính bất tương hợp; nghĩa là phấn của nó không tự thụ phấn cho chính nó mà cần có sự thụ phấn chéo của giống bưởi khác mới đậu quả được vì vậy việc trồng xen nhiều giống hoặc thụ phấn bổ sung là một trong những biện pháp kỹ thuật tích cực. Minh chứng là vườn bưởi trồng xen của ông Cẩn, Chủ tịch UBND xã Ca Đình. Trên diện tích gần 1 sào trồng chè xanh, ông Cẩn trồng thêm 27 cây bưởi gồm nhiều giống như Bằng Luân, Chí Đám, bưởi Diễn… vừa để che bóng cho chè, vừa để lấy quả thì năm nào cũng sai quả, cho thu nhập cao mặc dù không cần phải thụ phấn bổ sung.