Hà Tây là tỉnh liền kề Thủ đô Hà Nội, có diện tích 216.000ha, gồm vùng đồi gò, vùng núi và vùng bãi ven sông Hồng, sông Đáy, rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc lớn, trong đó có đàn bò. Tổng đàn bò của tỉnh hiện nay là 161.670 con, trong đó có 138.175 bò laisind, 2.987 bò sữa (1.352 con đang thời kỳ vắt sữa, sản lượng sữa 8 tháng đầu năm 2006 đạt 3.697 tấn), bò khác 20.508 con. Một số huyện có đàn bò lớn như Ba Vì 39.495 con, Chương Mỹ 23.250 con, Phúc Thọ 12.821 con... Chăn nuôi bò thịt chủ yếu theo phương thức chăn nuôi nhỏ l,ẻ các giống như Lai zebu và bò vàng địa phương; bò sữa chủ yếu là giống F3 HF, F2 HF và F1 HF. Từ năm 2005, toàn tỉnh đã chọn ra 14 vùng để tập trung phát triển chăn nuôi bò, trong đó có 12 vùng đặt trạm dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác phát triển chăn nuôi bò. Phát triển chăn nuôi bò của Hà Tây đã góp phần quan trọng tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Riêng chăn nuôi bò sữa đã tạo ra nghề mới mang tính sản xuất hàng hóa cao, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi bò cũng còn nhiều hạn chế do chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, các biện pháp kỹ thuật còn hạn chế. Đặc biệt trong chăn nuôi bò sữa, một số hộ chăn nuôi chưa có kinh nghiệm chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trị bệnh nên hiệu quả thấp, không có lãi...
Tại hội thảo, các đại biểu tham luận đều đánh giá cao hiệu quả chăn nuôi bò góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển đàn bò, tăng cao hiệu quả kinh tế, các đại biểu tham luận cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hỗ trợ KHKT trong chăn nuôi bò, tạo cơ chế thông thoáng cho vay vốn phát triển chăn nuôi, tổ chức hệ thống dịch vụ kỹ thuật tại vùng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu dịch vụ phát triển sản xuất, các cơ quan chức năng tạo khâu trung gian giữa người chăn nuôi và các đơn vị chế biến, nhằm giữ ổn định giá sữa ở mức hợp lý cho người chăn nuôi...
Kết luận buổi hội thảo, đồng chí Chu Văn Thưởng, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị các địa phương cần tăng cường duy trì và củng cố đàn bò, đặc biệt là bò sữa. Trong phát triển chăn nuôi bò cần chú trọng khâu giống, cần loại thải sớm các giống kém chất lượng. Để chăn nuôi có lãi thì cần chăn nuôi quy mô từ 5 con bò sữa trở lên và có sự đầu tư nguồn thức ăn đầy đủ. Đẩy mạnh tập huấn KHKT chăn nuôi bò, đặc biệt là bò sữa. Đồng thời ngành nông nghiệp có đề xuất những chính sách mang tính đồng bộ về đầu tư hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò nói riêng, chăn nuôi đại gia súc nói chung ngày càng đạt kết quả cao./.