00:00 Số lượt truy cập: 3080830

Hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN nông nghiệp: Con đường ngắn 

Được đăng : 03/11/2016
Từ năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với một lộ trình hội nhập toàn diện với cộng đồng quốc tế. Điều đó có nghĩa là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ là bộ phận của nền nông nghiệp thế giới.

 

Với xuất phát điểm thấp về khoa học và công nghệ (KHCN), nền sản xuất còn manh mún, nhiều lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp còn kém cạnh tranh. Việc tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam càng ngày càng mang ý nghĩa sống còn trong thời đại hội nhập.

Do đó, theo PGS. TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, trong bối cảnh trên, Việt Nam cần tận dụng tối đa khả năng hợp tác quốc tế để phát triển và ứng dụng KHCN nông nghiệp; đưa KHCN nông nghiệp Việt Nam lên ngang tầm khu vực và thế giới là con đường duy nhất để đảm bảo sức cạnh tranh và an ninh lương thực cho đất nước.

Năm thách thức của KHCN nông nghiệp

Theo PGS. TS Lê Huy Hàm, so với yêu cầu đảm bảo sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập và đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, KHCN nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 5 khó khăn và thách thức.

Thứ nhất, hạn chế về nguồn nhân lực: Ở nước ta hiện số lượng cán bộ nghiên cứu có trình độ đủ sức tiếp cận với KHCN hiện đại, áp dụng vào giải quyết các vấn đề cụ thể trong nông nghiệp còn quá ít, nhất là trong các lĩnh vực mới như công nghệ sinh học. Khả năng tự đào tạo cán bộ có trình độ cao của chúng ta còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về chất lượng.

Thứ hai, hạn chế về đầu tư: KHCN hiện đại đòi hỏi đầu tư cao, tập trung và dài hạn cho đào tạo, thiết bị và kinh phí hoat động. Chúng ta vừa thiếu kinh phí đầu tư lại vừa chưa có kinh nghiệm và kế hoạch dài hạn. Trong khi đó, khu vực tư nhân chưa đóng góp đáng kể trong cơ cấu đầu tư.

Thứ ba, hạn chế về công nghệ: So với các nước công nghiệp phát triển, các nước tiên tiến ngay trong ASEAN thì trình độ, năng lực nghiên cứu KHCN của Việt Nam còn có một khoảng cách khá lớn. Các kết quả nghiên cứu được áp dụng thời gian qua chủ yếu thuộc lĩnh vực truyền thống. Các nghiên cứu ở trình độ cao, hiện đại mới chỉ dừng ở quy mô phòng thí nghiệm.

Chính phủ mới đây đã phê duyệt Đề án Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020, nhằm nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thuỷ sản theo hướng CNH - HĐH để tăng nhanh năng suất, chất lượng...


Thứ tư,
hạn chế về tổ chức, triển khai: Việc chưa có sự phối hợp đa lĩnh vực, đa ngành, đa cơ quan để tập trung giải quyết các vấn đề lớn của nông nghiệp dẫn tới việc chưa tận dụng được tiềm lực sẵn có về công nghệ, cơ sở vật chất cũng như về con người hiện đang rải rác trong các cơ quan nghiên cứu.

Thứ năm, hạn chế về thương mại hoá các sản phẩm khoa học: Hiện vẫn chưa có cơ chế hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển và thương mại hoá các sản phẩm KHCN. Xuất phát thấp của trình độ xã hội và nền kinh tế nông nghiệp manh mún làm cho việc áp dụng những thành tựu công nghệ cao bị hạn chế.

PGS. TS Lê Huy Hàm cho rằng, trong bối cảnh trên, việc hợp tác quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, Việt Nam cần phải hướng tới việc khắc phục các nhược điểm và hạn chế trên, tăng cường xây dựng đội ngũ, phát triển và chuyển giao công nghệ, học hỏi cơ chế tổ chức triển khai KHCN và thương mại hoá các sản phẩm KHCN.

Tạo cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế

Theo Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, để làm tốt vai trò như một nhân tố thúc đẩy KHCN thì cần tận dụng tối đa việc hợp tác, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ của các viện nghiên cứu quốc tế.

Ông cho biết, các viện nghiên cứu quốc tế có trình độ nghiên cứu rất cao, cập nhật và thường tiên liệu trước được các vấn đề mà nông nghiệp các nước đang phát triển sẽ gặp phải. Do đó, họ có những nghiên cứu đón đầu để phát triển công nghệ, vật liệu phục vụ, thích nghi. Chính vì thế, chúng ta cần có chiến lược cụ thể ở mức độ quốc gia để tiếp cận các nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của các trung tâm nghiên cứu quốc tế. Cần dành kinh phí hỗ trợ ít nhất 1-2 viện đầu mối có đủ trình độ để tiếp thu và chuyển giao các công nghệ mới về nước.

Cùng với việc đào tạo cán bộ là tổ chức các đề tài hợp tác nghiên cứu thường xuyên với các trung tâm nghiên cứu quốc tế, lôi kéo sự tham gia của các cán bộ trung tâm này vào giải quyết các vấn đề của nông nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, có thể tổ chức hội đồng tư vấn chuyên đề giữa các viện nghiên cứu quốc tế và Việt Nam về những vấn đề quan trọng nhất định. “Đây là cách nhanh nhất, rẻ nhất để có được các kết quả ứng dụng trình độ cao”, PGS Hàm nhấn mạnh.

Hợp tác quốc tế trong KHCN nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam bắt kịp sự phát triển của KHCN nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.


Trong khi đó, các tổ chức quốc tế như FAO, UNDP, UNIDO, TWAS, các tổ chức phi chính phủ, các quốc gia thông qua đại sứ quán - bản thân không phải  là tổ chức KHCN nhưng lại là nguồn tài chính rất đáng kể giúp chúng ta phát triển KHCN và ứng dụng vào những lĩnh vực rất cụ thể thông qua việc cung cấp tài chính cho xây dựng tiềm lực KHCN và hợp tác quốc tế.

Chúng ta chưa có thói quen và kinh phí trong việc cử cán bộ đi dự các hội nghị quốc tế hay trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài. Cho nên, theo kiến nghị của PGS Lê Huy Hàm, dù kinh phí hạn hẹp nhưng vẫn nên có những chương trình trao đổi, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài cho cán bộ khoa học đầu đàn bên cạnh chương trình đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (Chương trình 322) nhằm giúp các nhà khoa học cải tiến kiến thức và thúc đầy hợp tác quốc tế.