Người dân xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đang tích cực xúc tiến thành lập một hợp tác xã (HTX) nuôi gà, nhằm đưa gà Duy Châu trở thành thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đòn bẩy kinh tế
Duy Châu thường xuyên xảy ra lụt lội nên việc phát triển nông nghiệp rất khó khăn. Những năm trở lại đây, kinh tế địa phương dần cải thiện nhờ phong trào nuôi gà nở rộ. Ông Lê Phước Hải - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Châu cho biết: “Nghề nuôi gà và giống gà ở Duy Châu vốn có tiếng từ rất lâu rồi nhưng trước đây chỉ nhỏ lẻ theo hộ gia đình chứ chưa có quy mô như hiện tại. Giờ đây, sự thay đổi của nền kinh tế thị trường bắt buộc người dân phải có một cái nhìn mới về việc nuôi gà một cách an toàn và tạo một thương hiệu riêng”.
Người dân Duy Châu khá lên nhờ phát triển mô hình nuôi gà an toàn. Ảnh: N.DƯƠNG
Người khởi xướng cho phong trào nuôi gà tại đất Duy Châu chính là anh Nguyễn Văn Điển (thôn Lệ Nam). Vào năm 1993, một buổi chiều ngồi uống nước bên đường, chứng kiến cảnh hai lái buôn tranh nhau mua một con gà với giá khá cao, anh chợt nảy sinh ý tưởng nuôi gà. Ban đầu, với số vốn ít ỏi, anh mua 30 con gà mái về gầy giống. Sau đó tự tìm tòi kỹ thuật chăn nuôi qua sách báo và bạn bè, đàn gà nhà anh nhanh chóng tăng lên 200 con gà thịt, 50 con gà giống. Mô hình tốt tự nhân lên, người dân thôn Lệ Nam nuôi gà, nhân dân xã Duy Châu nuôi gà. Năm 1999, Hội nuôi gà Duy Châu ra đời với 12 hội viên, sau một thời gian phát triển lên đến 40 hội viên. Tuy nhiên, năm 2003, dịch cúm gia cầm xảy ra trên cả nước, Hội nuôi gà Duy Châu ngừng hoạt động. Phải đến năm 2007, UBND huyện Duy Xuyên phê duyệt đề án phát triển chăn nuôi gia cầm thì hoạt động của Hội nuôi gà Duy Châu mới được khôi phục.
Đến nay, toàn xã có 5 chi hội nuôi gà, mỗi chi hội từ 30 - 40 hội viên, áp dụng mô hình nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học. Mỗi tháng các chi hội tổ chức họp định kỳ một lần tại một hộ để tìm hiểu tình hình chăn nuôi của gia đình đó nhằm chia sẻ và góp ý bổ sung những mặt hạn chế trong chăn nuôi. Đến nay, trung bình mỗi hội viên có khoảng 300 con gà, có nhiều hộ lên đến 600 - 800 con như gia đình anh Lê Văn Tư, Nguyễn Văn Điển, Hồ Văn Sáu (thôn Lệ Nam). Thu nhập bình quân mỗi hộ nuôi gà thịt đạt từ 3 - 5 triệu đồng/tháng; nuôi gà thịt kết hợp gà đẻ có ấp trứng thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng/hộ, cá biệt có những hộ thu nhập 8 - 10 triệu đồng/tháng. “Đối với mỗi gia đình nông thôn chúng tôi thì đây là nguồn thu nhập tương đối cao. Nuôi gà chi phí chuồng trại thấp, ít tốn nhân công lao động” - anh Bùi Văn Chiến, một hội viên của Chi hội nuôi gà tâm sự.
Xây dựng thương hiệu
Nhận thấy nuôi gà là thế mạnh kinh tế địa phương, chính quyền xã Duy Châu đã có nhiều chính sách hỗ trợ các Chi hội nuôi gà như phối hợp với phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên mở các lớp tập huấn thú y cho các hội viên. Do đó, hầu hết hội viên nuôi gà đều có các kỹ năng cơ bản như: cách pha trộn thức ăn, tiêm phòng bệnh cho gà, phát hiện các dấu hiệu về dịch... Ông Lê Phước Hải cho biết thêm: “Làm sao để đưa thương hiệu gà Duy Châu ra thị trường là điều trăn trở của những người nuôi gà ở đây. Có như vậy mới có thể cải thiện hơn nữa kinh tế một cách bền vững. Cũng từ một lớp đào tạo, tập huấn của Liên minh HTX Quảng Nam, tôi hiểu rõ hơn về lợi ích của việc thành lập một HTX. Khi đã thành lập HTX thì chúng tôi sẽ được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía trung tâm cũng như của tỉnh, từ đó xây dựng thương hiệu để có chỗ đứng trên thị trường”.
Nhiều năm nay, gà Duy Châu bán ra thị trường chủ yếu qua thương lái, giá cả bấp bênh, còn tùy thuộc “mùa vụ” cưới hỏi, giỗ chạp. Mặt khác, gà chủ yếu tiêu thụ trong huyện và các huyện lân cận, không thể cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh. Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND xã Duy Châu và các hội viên nuôi gà đã tìm đến giải pháp thành lập HTX để các hội viên có điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ, có cơ hội tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, HTX nuôi gà có thể thực hiện hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi dành cho gà, từ đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Anh em chúng tôi ai cũng mong thành lập HTX để có điều kiện phát triển chăn nuôi ổn định và lâu dài. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 600 con gà, mỗi năm tiêu thụ 20 tấn lúa, bắp và khoảng 100 triệu tiền thức ăn chăn nuôi. Khi thành lập HTX, chúng tôi có điều kiện để giảm bớt chi phí, lợi nhuận cũng từ đó mà tăng lên. Ngoài ra, thương hiệu “gà Duy Châu” cũng sẽ được xây dựng và biết đến rộng rãi không chỉ trong tỉnh mà còn ở những thị trường khác lớn hơn…” - ông Đặng Văn Tâm (thôn Tân Phong, xã Duy Châu) chia sẻ.
Trước nguyện vọng chính đáng của lãnh đạo và nhân dân xã Duy Châu, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và hội thảo nhận thức, hành động về kinh tế hợp tác, HTX tại xã Duy Châu để giúp cho các hộ nuôi gà bước đầu tiếp cận với mô hình kinh tế hợp tác, và là tiền đề cho việc thành lập HTX.
Hiện nay đã có hơn 77 gia đình ở xã Duy Châu quyết định tham gia HTX, Tổ hợp tác nuôi gà Duy Châu. Phía Liên minh HTX Quảng Nam khẳng định: việc thành lập một HTX chuyên nuôi gà và kinh doanh thức ăn chăn nuôi là hướng đi đúng đắn, hợp với điều kiện kinh tế cũng như yêu cầu của thị trường hiện nay. Liên minh HTX Quảng Nam sẽ tổ chức thêm nhiều đợt tập huấn nhằm mang lại hiệu quả cao trong việc thành lập HTX.