00:00 Số lượt truy cập: 2669116

Hợp tác xã trái cây Vietgap đánh dấu bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp xã Bình Phước Xuân (An Giang) 

Được đăng : 03/11/2016
Là địa phương đầu tiên và sớm nhất chuyển dịch thành công cơ cấu cây trồng từ trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng màu và vườn đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần cho người nông dân.

Trong đó diện tích trồng xoài khá lớn và không ngừng tăng lên theo từng năm, đến nay đã đạt trên con số 800 ha. Năm 2009 sau 3 ngày thực hiện Chương trình " Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn" do Tiến sĩ Võ Mai hướng dẫn, được sự tài trợ của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Nhận thấy đây là Chương trình sản xuất khoa học, an toàn và hiệu quả, phù hợp với địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất huyện, cộng với sự cần cù, sáng tạo, ham học hỏi, chịu khó của người nông dân và được sự hỗ trợ của địa phương, Nông dân xã Bình Phước Xuân đã mạnh dạn thành lập tổ sản xuất xoài theo tiêu chuẩn Vietgap, gồm 33 thành viên, với tổng diện tích 40,5 ha. Sau 6 năm hoạt động có nhiều thay đổi về thành viên tham gia, cũng như diện tích sản xuất.

Đến đầu năm 2015 này, tổ hợp tác xã trái cây Gap Bình Phước Xuân được thành lập có 9 thành viên tham gia, diện tích 7,5 ha. Quy trình sản xuất được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn và yêu cầu của Chương trình Việt Gáp: sản xuất có sổ theo dõi rõ ràng, cách viết nhật ký theo quy trình, vẽ sơ đồ nhà vườn; Nông dân được tham gia các lớp tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly đảm bảo không tồn động dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch; thiết kế nhà kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, nơi pha thuốc phù hợp, đặc biệt là nhà vệ sinh phải cách vườn bán kính 500 m, giữ gìn vệ sinh khu vườn sạch sẽ, thường xuyên quét dọn, nhặt rác và thu gom rác, vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Từ những cố gắng, nỗ lực này, cuối tháng 11 vừa qua, công ty Nho Nho được sự ủy quyền của Trung ương Hội nông dân, Cục đo lường chất lượng chuyên cấp giấy chứng nhận Việt Gap, ISO cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước, phối hợp với Chi Cục bảo vệ thực vật An Giang đến UBND xã Bình Phước Xuân cấp giấy chứng nhận Vietgap cho tổ hợp tác trái cây Bình Phước Xuân. Anh Trần Khánh Dư, thành viên tổ hợp tác tự hào nói " Hợp Tác xã đạt chuẩn Việt Gap là niềm vinh dự cho hợp tác cũng như toàn thể thành viên của hợp tác. Đây là cơ hội cho trái xoài của Hợp tác xã khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và trong lòng của người tiêu dùng" Đây là một bước tiến mới, đánh dấu sự phát triển lâu dài đối với nền nông nghiệp của xã, mà chủ lực là xoài 3 màu.

Kể từ đây, trái xoài của tổ hợp tác xã trái cây Gap Bình Phước Xuân có được thương hiệu hẳn hoi, được đo lường chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh với các loại trái cây khác trong nước và bên ngoài nhập vào, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định. Tránh được điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa. Có thể nói do ảnh hưởng của thời tiết, phần lớn diện tích trồng xoài của địa phương không ra hoa đậu trái, riêng 7,5 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Gap không bị ảnh hưởng nhiều, vì tuân thủ theo quy trình, kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở một liều lượng nhất định, đảm bảo quy tắc về thời gian phát triển bình thường và tự nhiên của cây, trái cung ứng đủ sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết, đồng thời không bị thương lái ép giá do sản phẩm đạt chuẩn.

Mặt khác, Hợp tác xã trái cây Viet gap Bình Phước Xuân ra đời thể hiện bản lĩnh và ý thức chủ động, tự giác của người nông dân trong sản xuất, biết nắm bắt thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, nhận thức đầy đủ về quy luật tất yếu của sự tồn vong- Muốn đi lên, phát triển thì sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng và ngược lại, ông Nguyễn Hoàng Liệt nông dân ấp Bình Qưới, Giám đốc Hợp tác xã trái cây Vietgap Bình Phước Xuân nói "Trái cây Bình Phước Xuân muốn đi vào thời kỳ hội nhập, chúng ta không làm được Gáp là tầm vĩ mô chúng ta không có, chúng ta sẽ chết ngay trên sân nhà của chúng ta, trái cây sạch của 10 nước Asean vào Việt Nam chất lượng hơn ta, rẻ hơn ta, sạch hơn ta, chúng ta sẽ chết tại chỗ, thì bây giờ chúng ta phải làm “made” của chúng ta bắt đầu từ Gap, tuy hơi muộn nhưng vẫn còn kịp, chúng ta phải có lòng tự trọng của người Việt Nam sản xuất an toàn vệ sinh" Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là quy trình sản xuất an toàn, khoa học phải trở thành quy tắc, thói quen sản xuất của mỗi thành viên trong tổ hợp tác, không nên cố gắng thực hiện ở một thời điểm nào đó để được chứng nhận rồi đâu lại vào đó mà phải thực hiện thường xuyên, sau kỳ hạn 2 năm đều được công nhận lại thương hiệu Vietgap và được đánh giá cao. Về phía địa phương và UBND huyện sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tổ hoạt động, sản xuất.

Ông Vũ Minh Thao- Phó Chủ Tịch UBND huyện Chợ Mới nhấn mạnh "Đạt được chứng nhận Việt Gap là niềm danh dự và tự hào của xã Bình Phước Xuân nói riêng, huyện Chợ Mới nói chúng, trong thời gian tới, huyện Chợ Mới sẽ phát huy những kết quả đã đạt được trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành, các cấp từ huyện đến xã chung tay xây dựng, phát triển sản xuất an toàn, giúp người nông dân tự tin trong thời kỳ hội nhập" Sự trường tồn và hiệu quả kinh tế mà tổ hợp tác xã trái cây Gap Bình Phước Xuân đem lại là động lực để nông dân ngoài tổ hợp tác học hỏi và làm theo, hạn chế tình trạng vì lợi ích trước mắt bất chấp hậu quả, sử dụng các loại thuốc cấm nằm ngoài danh mục sản xuất, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hình thành thói quen sản xuất theo quy trình, an toàn, trách nhiệm, tạo nên chuỗi liên kết sản xuất, mở rộng phạm vi và diện tích hoạt động, sản xuất của tổ hợp tác, đưa thương hiệu trái cây của xã Bình Phước Xuân nói chung ngày càng vươn xa, không chỉ ở chứng nhận Việt Gáp, tiêu thụ trong nước mà tiến đến Lobalgap, xuất ra bên ngoài, thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU.... mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân, làm cho giàu địa phương và đất nước.

Ánh Minh