00:00 Số lượt truy cập: 3081455

Hướng đi nào cho người nuôi cá tra ngoài quy hoạch? 

Được đăng : 03/11/2016
An Giang là tỉnh có diện tích nuôi cá tra, basa tương đối lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, đa số nông dân nuôi cá tra một cách tự phát, diện tích ao nhỏ, không tập trung. Để phát triển nghề bền vững, khai thác tốt tiềm năng, cần thiết phải quy hoạch vùng nuôi, hạn chế sự phát triển nhỏ lẻ. Và Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành là một trong những giải pháp hữu hiệu.

Thu hoạch cá tra ở An Giang.

Người nuôi nhỏ lẻ gặp khó

Anh Nguyễn Thanh Kỳ ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú cho biết: “Nếu Nhà nước quy định vùng nuôi phải từ 10ha trở lên thì tụi tui chắc phải cuốn chiếu sớm. Bởi lẽ ở xã này các hộ chủ yếu nuôi với diện tích khoảng vài hecta”. Mấy năm qua, cũng như nhiều nông dân khác, anh Kỳ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nuôi cá tra, basa như: thiếu vốn, cá tiêu thụ chậm, giá thức ăn tăng, giá bán thấp... Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, giá cá lên xuống thất thường, khiến bà con lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, không ít hộ phải treo ao, treo hầm. Năm 2009, anh Kỳ vay ngân hàng cả trăm triệu đồng đầu tư nuôi cá tra, basa mong sao gỡ lại số vốn đã bị lỗ năm ngoái. Thế nhưng càng nuôi càng lỗ. Gia đình anh hiện có 6 hầm với số lượng trên 300.000 con cá thịt, trung bình mỗi ngày chúng ngốn trên 20 triệu đồng tiền thức ăn. Không những thế, khi bán cá xong, doanh nghiệp nào cũng hứa thanh toán nhưng chỉ trả tiền nhỏ giọt. “Chúng tôi ngồi đợi dài cổ mà chẳng lấy được tiền, trong khi nợ ngân hàng, nợ nóng bên ngoài cứ bủa vây. Đến khi lấy tiền dứt điểm, người nuôi mất tới 2 tháng liền phải tốn trả lãi cao”, anh Kỳ bức xúc nói.

Tổng diện tích cá tra năm 2009 ở An Giang khoảng 1.200ha, sản lượng đạt gần 260.000 tấn, xấp xỉ năm 2008. Thế nhưng, do giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục tăng (từ đầu năm đến nay tăng từ 500-600 đồng/kg), nâng giá thành sản xuất bình quân khoảng 15.000 - 15.300 đồng/kg) trong khi giá bán bình quân là 14.400 -14.800 đồng/kg. Điều này làm cho người nuôi cá tra tiếp tục thua lỗ nên một số hộ đã bỏ trống ao, hầm.

Cùng chung tâm trạng như trên, anh Đặng Văn Hồ ở xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân than thở: “Nuôi tập trung theo quy hoạch là tất yếu nếu muốn phát triển nhưng tui lấy đâu ra tiền mua đất đào hầm bởi lẽ hiện nay còn thiếu nợ gần 500 triệu đồng tiền vay nuôi cá”. Cách đây vài ngày, anh Hồ vừa bán 70 tấn cá thịt với giá 14.700 đồng/kg, trừ chi phí, lỗ trên 200 triệu đồng. Anh nhẩm tính, giá cá giống tăng 1.000 đồng/con, giá thức ăn tự chế hiện 5.000 đồng/kg; còn giá thức ăn Con Cò 22 độ đạm giá 7.450 đồng/kg. Để đạt trọng lượng trung bình 1kg/con, người nuôi phải tốn khoảng 2,5kg thức ăn. “Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi sẽ chuyển sang nuôi loại thủy sản khác”, anh Hồ khẳng định.

Cần sự liên kết


Nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cho chế biến, nhiều công ty, nhà máy chế biến thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình. Theo báo cáo của 10 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, với cách thức này, họ đều chủ động được 50-60% nguyên liệu, khách hàng truyền thống là 30-40%, còn lại mua từ người nuôi bên ngoài. Đơn cử như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGIFISH), một trong những công ty chế biến xuất khẩu cá tra hàng đầu của tỉnh, đã có quy trình nuôi khép kín tổ liên kết theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trung bình mỗi thành viên trong tổ hợp tác cung cấp cho Công ty cả nghìn tấn cá nguyên liệu/năm.

Ông Nguyễn Hoàn Linh, Trưởng phòng giúp việc Ban chỉ đạo sản xuất tiêu thụ cá tra Việt Nam cho biết, Đề án quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết và là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, người nuôi nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn (tại An Giang vẫn còn 30-40% số hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún). Vì thế, sau quy hoạch, nếu hộ nào không đủ tiêu chuẩn nuôi, các ngành chức năng khuyến khích bà con nên chuyển đổi nghề hoặc chuyển sang nuôi những loại cá khác để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điều cần thiết bây giờ là các ngành chức năng cần khuyến khích nông dân tham gia các tổ hợp tác, liên kết lại để hình thành vùng nuôi lớn gắn với các doanh nghiệp chế biến để tránh khủng hoảng thừa.

Theo Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng cá nguyên liệu đến năm 2020 sẽ đạt 2 triệu tấn, sản phẩm xuất khẩu 900.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, tạo việc làm cho 25 vạn lao động. Phát triển vùng nuôi cá tra chủ yếu ven sông Tiền và sông Hậu, diện tích tối đa đến năm 2020 là 13.000ha. Để tránh tình trạng nuôi cá tra manh mún, nhỏ lẻ, các cơ sở nuôi cá tra mới sẽ có quy mô 10ha trở lên và phải nằm trong vùng sản xuất quy hoạch. Tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo mô hình quản lý cộng đồng và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác. Nguồn vốn cho giai đoạn 2009-2015 là 800 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 cần 540 tỷ đồng.