Từ năm 2006, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã chú trọng tập trung phát triển mô hình trang trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, mô hình này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hoá, tập trung. Do đó, trong phương án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2011- 2015, huyện xác định hướng đi trọng tâm đó là phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Phát triển đàn trâu, bò ở xã Lao Và Chải.
Năm 2006, Huyện uỷ Yên Minh triển khai Nghị quyết 01 về phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Nội dung quan trong của Nghị quyết đó là phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Bước vào triển khai, những chính sách ưu đãi giúp người dân mở rộng chăn nuôi theo quy mô trang trại hộ gia đình được triển khai đồng bộ như: chính sách cho vay vốn; chính sách về đất đai; chính sách hỗ trợ thú y, kỹ thuật... Trong đó chính sách về vốn đóng vai trò quan trọng, định mức hỗ trợ đối với hộ khá đăng ký vay vốn được hỗ trợ 30% lãi suất; hộ trung bình được hỗ trợ 50% lãi suất. Định mức cho các hộ vay phát triển trang trại từ 30 đến 50 triệu đồng. Huyện cũng gắn phát triển chăn nuôi trang trại với chương trình trồng cỏ chăn nuôi, tạo điều kiện cho các hộ yên tâm phát triển đàn gia súc, không phải lo đến nguồn thức ăn. Việc thực hiện Nghị quyết 01 giúp huyện tăng nhanh số trang trại chăn nuôi trên địa bàn, tính đến cuối năm 2010, toàn huyện có trên 800 trang trại, chủ yếu là trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn. Các trang trại cơ bản phát huy được hiệu quả kinh tế, góp phần tăng tổng đàn gia súc toàn huyện lên trên 85 nghìn con trong năm 2010, tăng trên 20 nghìn con so với năm 2005. Huyện cũng đã bước đầu hình thành vùng chăn nuôi hàng hoá tập trung. Mặc dù đạt được những thành quả nhất định nhưng qua quá trình thực hiện, hình thức chăn nuôi trang trại quy mô hộ gia đình cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Các trang trại quy mô nhỏ nên không có sự phát triển bền vững; các trang trại phát triển nhiều nhưng nhỏ lẻ, tản mạn, không đáp ứng được yêu cầu về phát triển chăn nuôi tập trung thành vùng chăn nuôi lớn để thuận tiện cho việc bao tiêu sản phẩm; do quy mô nhỏ nên việc đầu tư chăm sóc, bảo vệ chưa tốt dẫn đến năng suất còn kém, tình trạng dịch bệnh vẫn xảy ra... Đánh giá một cách tổng thể, hình thức chăn nuôi trang trại quy mô hộ gia đình không bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hoá, tập trung.
Từ những hạn chế đó, huyện Yên Minh xác định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011- 2015 đó là duy trì, khuyến khích các trang trại chăn nuôi hộ gia đình nhưng nguồn lực chính tập trung phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn, phấn đấu đến năm 2015 có 1.583 hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, trong đó có 50 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Theo phương án của huyện, các trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn phải có thường xuyên từ 20 con trở lên; trang trại chăn nuôi lợn thịt có thường xuyên từ 100 con trở lên; trang trại chăn nuôi gia cầm có thường xuyên từ 500 con trở lên. Mỗi xã cần xây dựng từ 1 đến 2 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và chọn đối tượng thực hiện là các hộ gia đình có đủ năng lực về tài chính, đất đai, lao động, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất... Trong năm 2011: Thực hiện thí điểm trang trại vỗ béo trâu, bò thịt ở các xã Mậu Duệ, Mậu Long; phát triển trang trại chăn nuôi lợn ở các xã Phú Lũng, Bạch Đích; phát triển trang trại chăn nuôi gà ở thị trấn Yên Minh, trang trại chăn nuôi vịt ở xã Du Già. Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở các xã trong năm 2011, huyện sẽ đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng trong những năm tiếp theo. Huyện cũng triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn như: Chính sách về đất đai; thú y; chính sách hỗ trợ vốn; chính sách tín dụng; định hướng thị trường tiêu thụ... Về đất đai, huyện quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của các xã, thị trấn để bố trí hợp lý diện tích đất cho chăn nuôi đồng thời giữ lại diện tích đồng cỏ tự nhiên hiện có. Tạo điều kiện để cho các hộ chăn nuôi chuyển mục đích sử dụng một số diện tích đất canh tác nông nghiệp sang trồng cỏ chăn nuôi. Tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng đất để các hộ gia đình xây dựng trang trại chăn nuôi và trồng thức ăn chăn nuôi. Đối với các hộ thực hiện trang trại chăn nuôi quy mô lớn nếu chưa có đất sẽ được huyện giao đất hoặc cho thuê đất lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Diện tích đất giao (hoặc thuê) để làm trang trại phụ thuộc vào quỹ đất của từng xã và khả năng sản xuất kinh doanh của chủ trang trại. Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất đối với các hộ có đầu tư vốn vào chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thức ăn và sản phẩm chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung. Về cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư, căn cứ phương án kinh doanh, huyện hỗ trợ cho các trang trại với các định mức cụ thể đó là: Hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng cho mỗi trang trại quy mô lớn để xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời hỗ trợ 1 triệu đồng/trang trại/năm để chi phí cho dịch vụ thú y. Về tín dụng, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục và được huyện hỗ trợ lãi suất tiền vay theo định mức cụ thể: Với trang trại chăn nuôi trâu, bò có thường xuyên 20 con trở lên sẽ được vay vốn mức tối đa 200 triệu đồng và được hỗ trợ 50% lãi suất trong thời gian 24 tháng; đối với trang trại chăn nuôi lợn có thường xuyên 100 con lợn thịt trở lên được vay vốn, mức tối đa 150 triệu đồng và được hỗ trợ 50% lãi suất trong thời gian 12 tháng; đối với trang trại chăn nuôi gia cầm có thường xuyên 500 con gia cầm thịt trở lên được vay vốn, mức tối đa 100 triệu đồng và được hỗ trợ 50% lãi suất trong thời gian 06 tháng. Ngoài ra, huyện cũng có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các dịch vụ phục vụ chăn nuôi như: cơ sở chế biến thức ăn, cung ứng thức ăn công nghiệp; dịch vụ chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến sản phẩm... Năm 2011, huyện xây dựng 1 cơ sở chế biến thức ăn tại thị trấn Yên Minh và lựa chọn 1 HTX làm dịch vụ chăn nuôi, thú y. Đầu tư cơ sở vật chất hình thành, phát triển chợ gia súc ở các xã Mậu Duệ, Ngọc Long, Du Già, Bạch Đích để tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong vùng. Về nguồn thức ăn, huyện sẽ trồng mới gần 900 ha cỏ, nâng tổng diện tích cỏ chăn nuôi toàn huyện đến năm 2015 đạt 4.509 ha...
Hy vọng rằng, với lộ trình thực hiện cụ thể cộng với các chính sách hỗ trợ hợp lý, sát với điều kiện thực tế, Yên Minh sẽ thực hiện thành công mục tiêu phát triển 50 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi hàng hoá, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.