00:00 Số lượt truy cập: 2637422

KC.06.DA.II.NN - hoàn thiện quy trình sản xuất lạc giống vụ Thu Đông: Bước đột phá cho người trồng lạc 

Được đăng : 03/11/2016
Lần đầu tiên ở Việt Nam vụ lạc Thu Đông đã được gieo trồng thành công. Đó cũng là thành công bước đầu của Dự án KC.06.DA.II.NN. “Trước đây, ở nước ta chỉ có 1 vụ lạc Xuân làm thương phẩm; và vụ Hè Thu làm giống. Việc hoàn thiện công nghệ sản xuất lạc trong vụ Thu Đông sẽ giúp cho Việt Nam chủ động sản xuất hạt giống có chất lượng cao mà trước đây việc bị động trong sản xuất giống lạc thường xuyên xảy ra.” - Gs. Vs. Trần Đình Long - chủ nhiệm Dự án cho biết.



Lạc và đậu tương là cây công nghiệp, cây thực phẩm ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng cao được dùng làm thực phẩm cho người và thức ăn cho chăn nuôi, đồng thời còn là cây cải tạo đất tốt và là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng đem lại lợi nhuận cao. Chính vì vậy cây lạc và đậu tương đang là một trong 10 chương trình ưu tiên phát triển của nước ta.


Sản xuất lạc được phân bố ở hầu hết các vùng sinh thái nông nghiệp Việt Nam. Diện tích lạc chiếm 28% tổng diện tích cây công nghiệp hàng năm. Đặc biệt 10 năm gần đây, nhiều giống mới có tiềm năng năng suất cao 40 - 50 tạ/ha đã góp phần nâng cao năng suất lạc ở Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, những giống này mới được trồng trên quy mô hẹp.


Một trong những nguyên nhân hạn chế mở rộng diện tích gieo trồng giống mới của Việt Nam là hệ thống sản xuất và cung ứng giống chưa được các địa phương quan tâm đầu tư nên các giống mới có tiềm năng chưa cao. Dự án KC.06.DA.II.NN “Hoàn thiện quy trình sản xuất một số giống lạc mới L02, L05, L14, MD7, MD9 phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước ra đời từ những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn đó.


Mục tiêu của dự án là hoàn thiện quy trình sản xuất lạc giống vụ Thu Đông để nâng cao hệ số nhân các giống lạc mới đạt chất lượng giống tốt nhằm thúc đẩy vụ lạc Xuân, mở rộng diện tích; hoàn thiện quy trình thâm canh lạc Xuân cao sản góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng lạc phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, góp phần mở rộng diện tích trồng các giống lạc mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.


Dự án đã hoàn thiện được quy trình sản xuất lạc cao sản cho lạc vụ Xuân đạt năng suất trên 40 tạ/ha trên diện tích hàng vạn hecta. Với các yếu tố: giống mới (L18, L14, MD9), thời vụ tối ưu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, mật độ hợp lý, xử lý hạt bằng Vicarben 75 BTN 0,3% đã làm tăng năng suất so với không xử lý từ 5 đến 10 tạ /ha. Đặc biệt đã sử dụng kỹ thuật che phủ nilon. Đây là công nghệ được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam. Công thức che phủ nilon cho năng suất vượt đối chứng từ 30 - 60%.


Một kết quả nổi bật của dự án là các công nghệ mới sau khi đã hoàn thiện nhờ thực hiện dự án đã được áp dụng nhanh chóng và rộng rãi. Các giống mới như L18, MD9, L08 nhờ có dự án đã được công nhận chính thức hoặc tạm thời. Tỷ lệ các địa phương sử dụng giống mới và 2 quy trình công nghệ nêu trên chiếm tỷ lệ trên 85%. Tất cả các giống lạc mới đều do các cơ sở nghiên cứu và địa phương tự sản xuất, không phải nhập từ nước ngoài.


“Trong thời gian ngắn (24 tháng) dự án đã tập huấn kỹ thuật cho 13.200 lượt nông dân tham gia xây dựng mô hình sản xuất giống lạc. Đến nay, ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là các vùng trồng lạc chính như Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đưa năng suất lạc bình quân của cả tỉnh lên 37tạ/ha, cá biệt có xã đạt 45tạ/ha (trong khi cả nước chỉ đạt 17,8tạ/ha).


Trong 2 năm thực hiện dự án đã sản xuất được gần 13 nghìn tấn giống, mang lại lợi ích lớn cho người sản xuất. Chỉ tính giá lạc giống chênh lệch so với giá lạc thương phẩm 3000 đồng /kg, thu nhập của nông dân đã tăng hàng nghìn tỉ đồng. Hơn nữa, nếu phải nhập từ nước ngoài với giá 20triệu đồng/tấn thì số tiền phải chi là gần 25,9 tỉ đồng, trong khi giá giống của dự án chỉ là 10triệu đồng/tấn. Như vậy đã làm lợi gần 13 tỉ đồng” - Gs. Long cho biết.


Vụ lạc Thu Đông đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng vụ, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Thông qua tập huấn kỹ thuật sản xuất lạc giống cho nông dân đã góp phần nâng cao trình độ sản xuất giống và đã hình thành được một số vùng chuyên sản xuất giống có chất lượng và hiệu quả cao như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hà Tây và Nam Định.


đại diện Bộ KH&CN nghiệm thu Dự án, bà Nguyễn Hồng Ly nhận xét: “Kết quả của Dự án có tính mới và sáng tạo. Sản xuất vụ Thu Đông làm giống cho vụ Xuân, tiết kiệm được chi phí kho tàng, nhân công trong bảo quản giống, vụ lạc Thu Đông góp phần tăng cường và cải thiện độ phì cho đất. Kết quả nghiên cứu có tính khả thi cao và có thể mở rộng trong sản xuất lạc. Đây là Dự án rất có ý nghĩa về hiệu quả kinh tế - xã hội, tính cấp thiết cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của dự án đạt và vượt so với đăng ký trong thuyết minh, đặc biệt tính thiết thực của dự án là có khả năng nhân rộng.”