00:00 Số lượt truy cập: 2669138

KỸ THUẬT NUÔI BA BA 

Được đăng : 03/11/2016
I. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA BA BA:
Ba ba là một loài động vật thuộc lớp bò sát, bộ rùa, họ ba ba.

1. Phân bố:
Ba ba sống chủ yếu ở thuỷ vực nước ngọt. Ở Việt Nam ba ba có ở Quảng Ninh, Hà Bắc, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Yên Bái, Hoà Bình, Hà Tây, Hà Nội, Nam Hà, Hà Tĩnh, đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ.
Ba ba ở nước ta có 3 loại:
v Ba ba trơn: sống chủ yếu ở ao hồ nước ngọt thuộc miền Bắc. Đây là loài đang nuôi phổ biến hiện nay ở Bắc bộ.
v Ba ba gai: sống chủ yếu ở sông suối vùng núi phía Bắc, trên mai của chúng có những nốt sần.
v Ba ba Nam bộ: phân bố ở miền Nam, trên đầu mai thường có những vết trắng.

2. Tính ăn:
Trong môi trường tự nhiên ba ba ăn chủ yếu là động vật như côn trùng, tôm, tép, cá, cua…chúng còn ăn cả cám, cơm, bắp, khoai lang…
Chúng thích ăn những động vật bắt đầu ươn thối. Chúng ăn khoẻ vào mùa hè, lượng thức ăn bằng 5-10% trọng lượng thân. Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 3 trời rét, chúng chỉ ăn bằng 3-5% trọng lượng thân.
Ba ba có khả năng chịu đói tốt, không có hành vi tấn công kẻ thù, khi gặp địch hại chỉ chạy trốn vào hang hay lặn xuống nước, co đầu lại và chiu vào bụi rậm.

3. Đặc điểm sinh trưởng:
Ba ba là động vật lớn chậm, độ lớn liên quan chặt chẽ với môi trường như thời tiết, nhiệt độ, chất lượng thức ăn…
Nuôi 1 năm chỉ tăng 100-200g.
Nuôi 2 năm chỉ tăng 300-400g.
Đối với những gia đình nuôi có kinh nghiệm, nguồn thức ăn đầy đủ, nuôi từ đầu năm con giống cỡ 100-200g đến cuối năm con to có thể đạt 500-600g.
Ba ba là loài động vật biến nhiệt, thường sinh trưởng trong các mùa có thời tiết ấm áp, đặc biệt từ mùa xuân đến mùa thu.
Trong điều kiện nuôi cho ăn bằng cá mè băm nhỏ, ở nhiệt độ 25-28oC, con giống 100g, có thể tăng trọng 28g/con/tháng.

4. Đặc điểm sinh sản:
Ba ba đẻ trứng trên cạn, thụ tinh trong. Có thể kéo dài thời gian thụ tinh trong 6 tháng nên khi cho đẻ tỷ lệ con đực thường ít hơn con cái. Chúng ta cần phân biệt con đực và con cái trong khi nuôi.
v Con đực: cổ và đuôi dài hơn con cái, có thể vươn tới tận cuối mai của nó.
v Con cái: bầu cong hơn, mình đầy hơn, đuôi và cổ cũng mập hơn con đực.
Mùa sinh sản từ cuối xuân đến đầu thu. Đẻ rộ vào những ngày mưa to, sấm chớp nhiều. Ba ba làm ổ đẻ rất khéo. Nếu gặp đất thịt mềm, chúng lấy đầu dũi ngoạm cỏ bỏ đất lên bờ tạo thành một hố tròn bằng miệng chén và đẻ trứng vào đúng chỗ mới đào. Nếu gặp đất xốp, chúng day mình tạo thành ổ. Khi đẻ xong chúng lấp ổ, bò xuống nước nơi gần nhất nghỉ và canh giữ.
Trong tự nhiên, sau 60-70 ngày trứng nở ra con, nở được ít phút ba ba con tìm đường bò xuống nước.
Ba ba thành thục đẻ lần đầu cỡ nhỏ nhất là 400-500g, mỗi lứa đẻ 4-6 trứng. Ba ba cỡ 2kg mỗi lứa đẻ 10-15 trứng, ba ba mẹ đẻ sau 5-7 ngày lại bắt đầu giao phối lại. Mỗi mùa đẻ, 1 con ba ba mẹ cỡ 2kg đẻ từ 3-4 lứa, 1 con ba ba mẹ cỡ 4-5 kg đẻ từ 4-5 lứa.
Theo thí nghiệm, người ta mổ ba ba nặng 63g có 280 trứng non, cỡ ba ba nặng 350g có 400 trứng. Tổng số trứng trong 1năm đẻ được là 80-100 quả.
Thời gian ba ba đẻ trứng ở miền Bắc từ tháng 3-9, có khi kéo dài đến hết tháng 10 dương lịch. Nhiệt độ đẻ trứng thích hợp là 25-32oC.

II. KỸ THUẬT NUÔI BA BA:

1. Sản xuất ba ba giống

a. Ao nuôi ba ba bố mẹ:
Đối với những gia đình chuyên sản xuất giống nên có ao nuôi ba ba bố mẹ riêng. Ao nuôi ba ba bố mẹ thường có diện tích 50-200m2. Mực nước sâu trung bình 1-1.2m. Đáy ao phải có 1 lớp đất thịt pha cát dày 20-25cm. Ao nên nằm theo hướng Bắc Nam để tránh gió bắc. Nguồn nước dồi dào, cấp thoát nước tiện lợi, nước không bị nhiễm bẩn.
Cạnh ao nuôi phải có một bãi đẻ trứng. Bãi đẻ rộng từ 2-7m2 (mỗi mét vuông có thể cho 20 con cái vào đẻ). Xung quanh bãi xây cao 0.4-0.5m, trừ một lối cho ba ba bò từ ao lên bãi đẻ.
Nền bãi đẻ phải là đất mềm, có độ ẩm nhất định để ba ba bới lên làm chỗ đẻ. Khu ao đẻ cần yên tĩnh, nên tạo bóng cây kín đáo để ba ba dễ đẻ trứng.
Mật độ nuôi 20 con cái/1m2. Tỷ lệ đực cái thường là 1:1 hay 1:3.

b. Cách nuôi ba ba bố mẹ:
Tuyển ba ba đực, cái cỡ từ 0.8-3 kg có tuổi tương ứng từ 3-5 tuổi. Tốt nhất nên chọn những con cân nặng từ 2-3kg làm ba ba bố mẹ nhằm đảm bảo chất lượng con giống tốt, sức sinh sản cao.
Nuôi ba ba bố mẹ cũng như nuôi ba ba thịt song cần lưu ý nhất là chế độ cho ăn và môi trường nuôi phải sạch sẽ. Phải bảo đảm dinh dưỡng cao, có đủ chất cho ba ba phát dục tốt.

c. Ương ba ba giống:
Trong 20 ngày đầu ương trong chậu hoặc bể nhỏ. Bể rộng từ 1-3 m, cao 80cm, mực nước sâu từ 15-20 cm. Bể có hình chữ nhật, đáy bể có độ dốc nhất định, một phần bể có nước, một phần bể không có nước để ba ba bò lên ăn và nghỉ ngơi.
Sau 2 ngày cho ba ba ăn lòng đỏ trứng gà luộc chín, sau 1 tuần đưa ra bể nuôi.
Trong tuần nuôi đầu cho ba ba ăn động vật cỡ nhỏ như thuỷ trần, giun dinh dưỡng nhỏ, cá bột. Về sau cho ăn dần thêm giun quế, tôm tép băm nhỏ.
Đến ngày thứ 20, tăng mức nước trong bể lên 25-35cm hay chuyển qua bể lớn hơn, cho ăn giun quế, dòi, nhộng, tằm, ốc nhỏ, cá hương, tép, thịt động vật băm nhỏ…Có thể luyện cho ăn dần những thức ăn chế biến tổng hợp. Lưu ý không nên cho ăn nhiều những thức ăn có hàm lượng mỡ cao, để đề phòng trị bệnh đường ruột.
Ngày cho ăn từ 3-4 lần, lượng thức ăn bằng 3-5% trọng lượng thân. Thường cho ăn vào sáng sớm hay chiều tối. Lượng cho ăn phải điều chỉnh theo thời tiết cho phù hợp.
Mật độ thả 10-50 con/m2. Nhiệt độ ương thích hợp là 25-30oC.

Lưu ý:
v Ba ba con có khả năng tiêu hoá rất kém, vì thế thức ăn phải tinh, nhỏ, mềm và có gía trị dinh dưỡng cao.
v Luôn giữ cho nước trong sạch, mỗi ngày thay nước một lần hay cho dòng nước liên tục chảy nhẹ vào.
v Phải cho ba ba ăn no. Nếu cho ăn đói và để nước nhiễm bẩn, ba ba dễ sinh bệnh và chết.
Sau 3 tháng nuôi ba ba to cỡ bằng miệng chén, đạt 15-20g/con. Lúc này cần chuyển sang nuôi thành giống lớn hay xuất bán.
Thu hoạch giống cần tiến hành vào lúc sáng sớm, trời mát. Nếu nuôi ở bể thì tháo cạn bắt, nếu nuôi ở ao thì dùng lưới vét. Khi thu hoạch phải tiến hành nhẹ nhàng, tránh làm ba ba bị thương hay sây sát.

2. Nuôi ba ba thịt:

a. Ao nuôi:
Vị trí ao nên chọn gần nguồn nước, có điều kiện cấp thoát nước chủ động, gần nơi dân cư trú để dễ bảo vệ. Chúng ta cần chọn chỗ yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn và bóng người qua lại. Xung quanh hay một phần của ao nên để một phần đất làm vườn trồng cây bóng mát. Bởi vì vườn là điều kiện sinh thái rất thích hợp với đời sống của ba ba nuôi trong ao. Vườn có tác dụng tăng độ lớn và hạn chế tác hại do bệnh tất gây ra.
Diện tích ao nuôi từ 100-600m2, độ sâu là 1m, độ trong khoảng 30cm. Quanh ao cần xây tường cao 0.7-0.8m, đỉnh tường có gờ ngang rộng 10cm để ngăn không cho ba ba đi mất. Phải bắt cầu hay tạo một hoặc hai lối cho ba ba lên xuống dễ dàng giữa ao vườn. Ta có thể xây bậc thềm cho ba ba lên nghỉ ngơi, thềm nên để ngập nước từ 10-15cm và thả kín bèo tây.
Đáy ao có lớp cát bùn dày từ 10-20cm. Nuôi nhiều ba ba hay nuôi ba ba nhiều cỡ khác nhau phải xây nhiều ao, hoặc phân loại lớn bé để nuôi riêng.

b. Thả giống:
Trước khi thả giống phải dọn sạch ao, bể, cho nước vào và thử chất nước. Cỡ giống nuôi nên từ 100-150g/con, không nên nuôi dưới 50g/con. Giống thả phải đồng cỡ, nếu thả giống nhỏ qúa sẽ khó nuôi, chậm lớn, hao hụt nhiều, nuôi khó thành công.
Thời gian nuôi trong 5 tháng, từ tháng 4 đến tháng 11 dương lịch. Cố gắng hoàn thành việc thả giống sớm ngay từ tháng 2, tháng 3.
Mật độ nuôi khác nhau tuỳ thuộc vào kích cỡ giống. Đối với cỡ giống 100-150g/con có thể thả với mật độ cao nhất là 10-15con/m2. Mật độ trung bình từ 7-10con/m2. Đối với cỡ giống trên 200g/con chỉ thả từ 4-7con/m2.
Muốn thả với mật độ cao, ao nuôi phải có mật độ lưu thông tốt, có nhiều vốn để giải quyết con giống và thức ăn. Nếu mua ba ba giống của người bắt tự nhiên cần chọn những con khoẻ (khi lật ngửa nó tự lật sấp lại), con không bị ốm yếu. Không chọn ba ba câu hay bị đánh bằng điện vì loại này dễ bị thương hay bị tê liệt.
Những gia đình đã nuôi ba ba từ 2-3 năm, nên chọn một số con to làm ba ba bố mẹ, tợ sản xuất giống theo nhu cầu nuôi của mình.

c. Thức ăn
Thức ăn nuôi ba ba chủ yếu là thức ăn động vật (sống hay đã chết) như giun, ốc, hến, côn trùng, cua, cá, tôm, cóc, các phế phẩm lò mổ như ruột, lá lách, mỡ trâu bò…Thức ăn cỡ lớn cần băm nhỏ vừa đủ miệng ba ba, đồng thời tạo điều kiện để chúng ăn đều, không tranh nhau. Một số nước đã sử dụng thức ăn chế biến công nghiệp để nuôi ba ba.
Bệ máng đựng thức ăn cho ba ba phải đặt ổn định. Bệ được xây bằng gạch lát xi măng, trong ao nên có 2-4 máng đựng thức ăn, máng chìm ngập sâu 20 cm. Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 5-8% trọng lượng ba ba có trong ao.
Tỷ lệ giữa thức ăn chế biến với đạm động vật như sau:
v Bột ngô: 30%.
v Bột đậu tương: 20%.
v Cám gạo: 30%.
v Cám cá nhạt: 20%.
Ba ba ăn khoẻ ở nhiệt độ nước từ 22-32oC, trên 35oC hoặc dưới 12oC ba ba ăn ít, có khi ngừng ăn. Chi phí thức ăn nuôi ba ba rất lớn, do đó phải có các biện pháp đảm bảo số lượng, chất lượng thức ăn và giảm chi phí thức ăn hợp lý nhất. Từ tháng 4 đến tháng 11 dương lịch là thời gian ba ba sinh trưởng mạnh nhất trong năm, do đó cần có chế độ cho ăn đầy đủ để nuôi lớn nhanh, sinh trưởng liên tục, thu hoạch đạt quy cỡ và sản lượng cao.

d. Quản lý chăm sóc
Quản lý và chăm sóc ba ba trong ao nuôi là một khâu quan trọng. Chúng ta cần làm tốt những việc sau:
v Chống mật trộm, đề phòng ba ba bị mất mát, nhất là những ngày mưa to, gió lớn, lúc mới thả giống, nước chảy dễ kích thích ba ba cắn câu…Nếu chúng ta sơ suất dễ mất cả đàn.
v Đảm bảo nước ao sạch sẽ, không để nước bị thối bẩn. Ao nuôi với mật độ lớn phải thay nước thường xuyên.
v Phải đảm bảo yên tĩnh, hạn chế đánh bắt làm ba ba hoảng sợ, làm ảnh hưởng đến sức lớn.
v Theo dõi thức ăn hàng ngày để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn, không được thiếu, cũng không được thừa thức ăn.
v Lấy việc phòng trị bệnh là chính.
v Nuôi ba ba từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, ngoài biện pháp cho ăn tích cực trước mùa đông và trong những ngày nắng ấm, cần có biện pháp chống rét như dâng cao mực nước, thả bèo tây trên một nửa diện tích ao.

e. Thu hoạch và vận chuyển
Thu hoạch ba ba nuôi trong ao tương đối đơn giản. Nhìn chung có các cách thu hoạch như sau:
v Thu tỉa: có thể xuống ao mò bắt, kéo lưới, cất vó hay chặn lối từ vườn xuống ao trực tiếp bắt.
v Thu toàn bộ: tháo cạn, tát ao để bắt. Mùa thu hoạch chủ yếu vào tháng 11, 12 và tháng 1 dương lịch vì mùa này có nhiệt độ thấp, tỷ lệ sống cao.

Vận chuyển ba ba có nhiều hình thức tuỳ thuộc vào khoảng cách gần hay xa. Khi vận chuyển các thao tác phải nhẹ nhàng, tránh xây xát.
v Vận chuyển gần: thường cho ba ba vào bao tải thưa dùng xe đạp, xe máy để mang đi.
v Vận chuyển xa: cần chứa vào sọt hay thùng gỗ thoáng, lót bèo giữ ẩm. Cứ xếp 1 lớp bèo, một lớp ba ba. Tốt nhất trong sọt, thùng chia nhiều ô, mỗi ô chứa 1 con. Phương tiện vận chuyển xa thường dùng ô tô, xe lửa, máy bay.

3. Phòng trị bệnh cho ba ba
Việc nghiên cứu phòng và trị bệnh cho ba ba ở nước ta chưa được triển khai. Trong khi nuôi, nhân dân thường thấy ba ba chết song không rõ nguyên nhân từ bệnh gì, việc chữa chạy còn mò mẫm, chưa có kinh nghiệm. Theo kinh nghiệm của nước ngoài, ba ba thường bị nhiễm các bệnh như sau:

a. Bệnh sưng cổ: Bệnh này là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra. Ba ba khi bị bệnh cổ sưng đỏ, bụng nổi các nôt mụn đỏ, lúc bị nặng ba ba có thể chảy máu mũi, hai mắt đỏ rồi dần dần mù hẳn.
Muốn phòng trị bệnh ta phải đảm bảo ao nuôi sạch sẽ. Khi ba ba mắc bệnh, cho chúng ăn thức ăn có trộn thuốc Tetracilin hay Chlorocid trong 3 ngày liền với liều lượng: ngày đầu 0.2g/1kg thức ăn, hai ngày sau giảm một nửa.

b. Bệnh đốm trắng
Bệnh này do nấm kí sinh. Bệnh hay phát vào đầu xuân do chúng cắn lẫn nhau trong thời gian nuôi ba ba qua đông.
Muốn phòng trị chúng ta tránh làm sây sát da. Khi bị nhiễm bệnh dùng xanh malachit 2ppm hoặc bôi cồn iode vào vết thương. Đối với loại bệnh này kháng sinh không có tác dụng.

c. Bệnh nấm thuỷ mi
Bệnh do nấm thuỷ mi gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào đầu vụ nuôi khi nhiệt độ nước còn thấp (18-22oC), bệnh này rất hay gặp ở ba ba giống. Khi ba ba bị nhiễm bệnh này, trên vùng da bị thương có các bông nấm trắng, nhiều nhất là ở cổ và nách, ba ba sẽ biếng ăn, lờ đờ.
Muốn phòng, trị phải đảm bảo nước ao sạch sẽ, cần tạo yên tĩnh để ba ba lên bờ phơi nắng. Nếu ba ba mắc bệnh, ngâm chúng trpng dung dịch xanh malachit 4ppm trong 4 giờ.

d. Bệnh loét da
Bệnh do nhiễm trùng vết thương gây ra. Chất độc thường do vi khuẩn tiết ra làm loét da ở chân, cổ, nách…khi bị nặng có con bị lòi cả xương.
Muốn phòng trị phải bảo đảm ao nuôi sạch sẽ, cách ly kịp thời con bị bệnh với con còn khoẻ. Khi ba ba bị bệnh cần ngâm chúng trong dung dịch có kháng sinh 10ppm trong 48 giờ.
Tóm lại, đối với nuôi ba ba, việc phòng bệnh là chủ yếu. Chúng ta cần chú ý đến điều kiện ao nuôi trong sạch, đảm bảo chất lượng để hạn chế dịch bệnh cho ba ba.