00:00 Số lượt truy cập: 3079455

Kết quả bước đầu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào phục vụ sản xuất ở Thái Bình 

Được đăng : 03/11/2016
Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực trong vụ đông ở Thái Bình. Để mở rộng diện tích lên 5000-6000 ha nhu cầu giống hàng năm là rất lớn. Trong vài năm gần đây sản xuất khoai tây gặp nhiều khó khăn do giống lưu vụ qua nhiều năm đang bị thoái hóa, giá giống nhập nội cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Để giải quyết vấn đề này Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư Thái Bình đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất củ giống khoai tây sạch bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh, từng bước chủ động nguồn giống và thay thế dần khoai tây nhập nội.


Năm 2009, Trung tâm đã tập trung nhân nhanh trong phòng thí nghiệm được 1022 bình khoai tây từ 40 bình gốc ban đầu, số bình đưa ra trồng thủy canh 850 bình. Khả năng phát triển của cây khoai tây trên giá thể phối trộn giữa trấu hun và bã nấm có ưu thế hơn giá thể chỉ sử dụng trấu hun. Vì sau khi giâm ngọn không bị mất nước nên cây có khả năng phục hồi nhanh, trong tổng số 3600 giá thể ra cây có đến 3500 cây sống, đạt 97%. Do thời tiết giai đoạn đầu vụ tương đối nắng nóng và khô hanh nên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng phát triển của khoai tây trong nhà lưới. Tuy nhiên, khoai tây trồng từ nuôi cấy mô không bị nhiễm bệnh vi rút, héo xanh, xoăn lá, bệnh mốc sương chỉ ở mức độ nhẹ. Số lượng củ bi làm giống đạt 16.000 củ, không có củ bị vi rút.

Đây là kết quả bước đầu sau 6 tháng phòng nuôi cấy mô đi vào hoạt động. Trong năm 2010 Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện qui trình sản xuất củ giống khoai tây sạch bệnh và đưa ra sản xuất. Đồng thời tìm điểm nhân nhanh một số giống hoa chất lượng cao phục vụ nhu cầu giống sạch bệnh cho các vùng trồng hoa trong tỉnh.