Tôi trồng trên 20 gốc sầu riêng nhưng khi cho trái thì bị sượng rất nhiều. Nhờ Bạn nhà nông cho biết nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Nguyễn Văn Bé (Hậu Lộc- Tam Bình
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ, sầu riêng bị sượng là một dạng rối loạn sinh lý trong quá trình phát triển làm giảm phẩm chất và giá trị của trái. Ngoài ra, sượng trái còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật canh tác, cung cấp dinh dưỡng cho cây. Sượng trái thường xảy ra bắt đầu từ khoảng 12 tuần sau khi đậu trái.
Biện pháp khắc phục:
Sau khi thu hoạch xong, cần tiến hành vệ sinh vườn, bón phân, tưới nước đầy đủ giúp cây ra đọt đồng loạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ra hoa, đậu trái đồng loạt. Sau khi cây đậu trái được 20 ngày cần bón thêm phân và tưới nước trở lại cho sầu riêng có đủ dinh dưỡng nuôi trái lớn. Tuy nhiên, cần cho nước vào mương trở lại một cách từ từ, tránh gây sốc cho cây, dễ làm sượng trái. Mực nước trong mương nên giữ mức 60- 80cm so mặt liếp. Thời gian cây mang trái nếu gặp mưa lớn cần phun các chất như Nitrat kali nồng độ 1,5%, phân MKP nồng độ 0,5- 1% hoặc Paclobutazol 0,25- 0,4o/oo để hạn chế cây ra đọt non. Tiến hành tỉa bớt trái nhỏ, trái dị dạng hoặc những chùm quá nhiều trái, chỉ giữ những trái đều nhau sẽ cho năng suất cao, chất lượng trái tốt. Thời gian tỉa trái nên chia làm 3 lần: Lần đầu sau khi hoa nở 3- 4 tuần, lần 2 vào tuần thứ 8 và lần 3 ở tuần thứ 10. Ngoài ra, tùy thuộc vào giống, tuổi cây mà quyết định giữ lại số trái trên cây thích hợp: với sầu riêng Ri 6 ở lứa tuổi 5- 6 năm nên giữ lại 120 trái/cây, sầu riêng khổ qua 140 trái/cây, sầu riêng Mong thon khoảng 70 trái/cây là vừa.