00:00 Số lượt truy cập: 3064082

Khai thác lợi thế vùng để phát triển rau, quả và hoa cây cảnh 

Được đăng : 03/11/2016

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quy hoạch phát triển rau, quả và hoa cây cảnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.


Theo đó, các đơn vị liên quan và các địa phương sẽ tiếp tục chương trình phát triển rau, quả và hoa cây cảnh trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, sinh thái đa dạng (nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới) của các vùng; Tập trung phát triển các loại cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, trong đó có một số loại cây chủ lực phục vụ xuất khẩu như: chuối, dứa, nhãn, thanh long, xoài, bưởi, vải, vú sữa... Gắn sản xuất với thị trường, đẩy mạnh sản xuất và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, trong thời gian tới, đối với rau quả và hoa cây cảnh cần chú trọng đến thị trường Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản; đối với hồ tiêu cần chú trọng đến thị trường châu Âu. Sản xuất rau hoa quả phải trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, trước hết phải thực hiện quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Dự kiến đến năm 2010 diện tích cây ăn quả đạt khoảng 1 triệu ha, đến năm 2020 khoảng 1,3 triệu ha; diện tích rau đến năm 2010 đạt 700 ngàn ha, đến năm 2020 khoảng 750 ngàn ha; giữ quy mô diện tích hồ tiêu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là 50 ngàn ha.

Ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, kế hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 tổng kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả các loại đạt 760 triệu USD/năm, đến năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD/năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để khai thác lợi thế điều kiện khí hậu, sinh thái của các vùng, các địa phương cần chú trọng quy hoạch theo hướng: phát triển diện tích trồng cây ăn quả ở vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng; giảm diện tích cây ăn quả ở các vùng kém lợi thế cạnh tranh là Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ. Chủ yếu bố trí diện tích rau và gia vị ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển mạnh các vùng trồng rau an toàn và rau công nghệ cao ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và tỉnh Lâm Đồng; Đối với cây hồ tiêu tập trung phát triển ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên; Đối với hoa cây cảnh: Chủ yếu bố trí diện tích trồng ở Đồng bằng sông Hồng, TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng tiểu khí hậu như Sa Pa (Lào Cai), Sơn La, Đà Lạt (Lâm Đồng).