00:00 Số lượt truy cập: 2660148

Khai thác mủ cao su 

Được đăng : 03/11/2016

* Xin cho biết sau khi khai thác mủ 1 năm: 1.2-1,7 tấn mủ khô thì cần bón phân gì và theo công thức nào? Xin cho biết thành phần N,P,K của mủ cao su khô?


Trần Thị Huệ, Cty TNHH Thống Nhất, Yên Định, Thanh Hóa

Theo các chuyên gia về cao su thì với cao su đang khai thác nên bón phân theo chế độ sau đây: Với năm cạo từ 1 đến 10 năm nên bón cho mỗi ha 152-196 kg urê, 400-500 kg lân nung chảy và 117-150 kg KCl (tùy từng loại đất). Với năm cạo từ 11 đến 20 năm nên bón cho mỗi ha 217 kg urê, 500 kg lân nung chảy và 167 kg KCl.

Về mặt hóa học, cao su thiên nhiên là polyisopren - polyme của isopren. Mạch đại phân tử của cao su thiên nhiên được hình thành từ các mắt xích isopren đồng phân cis liên kết với nhau ở vị trí 1,4. Như vậy là mủ cao su khô không chứa nhiều N, P, K. Các nguyên tố đa lượng này chỉ cần cho sự phát triển của bản thân cây cao su.

* Xin cho biết các bài thuốc dân gian chữa bệnh đau khớp, nhất là các bài thuốc liên quan đến các cây cỏ hôi, cỏ mực, ráy tía, lược vàng.

Quách Trình, Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế

Theo TS. Nguyễn Thị Bay thì y học cổ truyền (YHCT) quan niệm tất cả các bệnh có đau nhức ở khớp xương, có sưng nóng đỏ hay chỉ tê, nặng ở tại khớp đều nằm trong phạm trù chứng tý hay bệnh tý. Tý có nghĩa là tắc nghẽn không thông.           

- Do sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ của cơ thể không đầy đủ, các yếu tố gây bệnh là phong – hàn - thấp cùng phối hợp tác động xâm phạm đến kinh lạc – cơ – khớp, làm cho sự vận hành của khí huyết bị tắc nghẽn không thông gây ra sưng đau, hoặc không sưng mà chỉ đau tê mỏi nặng ở một khu vực khớp xương hoặc toàn thân.

- Do chính khí hư suy vì mắc bệnh lâu ngày, hay do người già các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu, làm cho khí huyết cũng giảm sút không nuôi dưỡng được cân mạch gây nên tình trạng thoái hóa khớp xương và gây nên đau. Vì vậy khi chữa các bệnh về khớp, các phương pháp chữa theo YHCT đều nhằm lưu thông khí huyết ở xương, đưa các yếu tố gây bệnh (phong, hàn, thấp, nhiệt) ra ngoài và đề phòng chống lại các hiện tượng báo động sự tái phát của bệnh khớp xương.

Có thể sử dụng một số bài thuốc đông y sau đây: Bài thuốc chung là: Lá lốt-12g; quế chi-12g; cỏ xước-16g; hà thủ ô-12g; mắc cỡ (xấu hổ)- 12; thiên niên kiện-12g; thổ phục linh-12g; sinh địa- 20g. Áp thống điểm tại chỗ và quanh khớp đau. Gia giảm theo từng trường hợp: Nếu là phong chứng trội: Dùng bài thuốc chung trên gia thêm các vị như: Phòng phong, khương hoạt mỗi vị thuốc 12g.

Công thức huyệt dùng áp thống chung như trên và châm thêm các huyệt như: Hợp cốc, phong môn, phong trì, huyết hải, túc tam lý, cách du. Nếu là thấp chứng trội: Dùng bài thuốc chung nêu trên gia thêm: Ý dĩ 16g, ngũ gia bì 12g, tỳ giải 16g. Châm cứu dùng áp thống chung như trên, châm thêm các huyệt như: Túc tam lý, tam âm giao, tỳ du, thái khuê, huyết hải.

Nếu mắc bệnh đã lâu và tái phát nhiều lần có thể dùng bài thuốc sau đây: Khương hoạt-8g; xích thước-12g; hoàng kỳ-12g; cam thảo- 6g; đại táo-12g; phòng phong -8g; khương hoàng-12g; đương quy -8g; gừng- 4g. Nếu là hàn chứng trội: Dùng bài thuốc chung nêu trên, gia thêm các vị như: Can khương 4g, phụ tử 8g, xuyên khung 12g. Châm cứu: Dùng công thức chung trên và cứu ấm thêm các huyệt như: Quan nguyên, khí hải, tác tam lý, tam âm giao.

Theo tôi viêm khớp gồm nhiều dạng khác nhau, do nhiều nguyên nhân rất khác nhau, vì vậy nên khám và điều trị theo Tây y, các bài thuốc YHCT chỉ nên coi là các biện pháp hỗ trợ mà thôi.