Khẩn trương đối phó dịch lợn tai xanh
Được đăng : 03/11/2016
Liên tục trong những ngày gần đây, dịch lợn tai xanh (LTX) bùng phát mạnh tại các tỉnh phía nam. Tính đến 22-8, dịch đã lan ra 25 tỉnh, thành phố, trong đó riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có 11/13 địa phương có dịch. Hiện sức tiêu thụ và giá thịt lợn giảm mạnh, hàng chục nghìn hộ nông dân gặp khó khăn.
Dịch bùng phát mạnh
Tại thành phố Cần Thơ, ngày 9-8, trại lợn thuộc Công ty Nông nghiệp Cờ Ðỏ (Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ) phát hiện 108 con lợn bị bệnh tai xanh trong tổng đàn 990 con. Nguy cơ bùng phát dịch rất cao vì Cần Thơ là trung tâm vùng ÐBSCL, kết nối các tỉnh trong khu vực vì vậy thành phố đã lập chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ ra vào, trực 24/24h ở các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 91, 80 nhằm kiểm soát chặt chẽ lượng heo nhập vào Cần Thơ hoặc xuất đi TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch gặp khó khăn do lực lượng thú y mỏng, việc kiểm soát lợn vận chuyển bằng đường sông khó khăn do thiếu phương tiện, nhân lực, địa bàn sông rạch chằng chịt, phức tạp...
Hai ngày nay, người dân sống ven hai bờ Kênh Ðứng thuộc địa bàn thị trấn Cờ Ðỏ phát hiện nhiều xác lợn chết trôi lềnh bềnh trên kênh. Ðiểm phát hiện xác lợn chết gần với ổ dịch đã xảy ra ở xã Thạnh Phú. Người dân rất lo lắng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Từ ngày 10-8 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có sáu ổ dịch LTX đầu tiên tại năm hộ chăn nuôi và một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sau đó, lan rộng ra nhiều xã ở 6/8 huyện, thị xã, thành phố. Tính đến nay, số lợn nhiễm bệnh gần 5.000 con, đã tiêu hủy hơn 2.100 con. Còn tại Ðồng Nai, địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước hiện nay, với khoảng 1,2 triệu con, là nguồn cung cấp thịt lợn lớn nhất cho TP Hồ Chí Minh. Trong vòng chưa tới một tháng qua, dịch đã bùng phát ở bốn xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), xã Bắc Sơn, Sông Trầu (huyện Trảng Bom) và xã Bàu Cạn (huyện Long Thành), đang có nguy cơ tiếp tục lây lan sang các xã khác. Tổng số lợn bị bệnh tai xanh lên đến 8.200 con đã tiêu hủy 3.500 con. Số lợn bị bệnh chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện đang chiếm 50% tại Ðồng Nai.
Tại ÐBSCL, đến nay đã có 11/13 địa phương nhiễm dịch LTX là Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Ðồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Kon Tum, dịch LTX đã xuất hiện ở Kon Tum. Như vậy, cả nước hiện có 25 địa phương xuất hiện dịch, trong đó chỉ có hai tỉnh phía bắc là Nghệ An và Cao Bằng, vùng Tây Nguyên đã có 3/5 địa phương có dịch.
Người chăn nuôi lỗ nặng
Dịch LTX bùng phát mạnh đã làm giá thịt lợn hơi và các sản phẩm từ lợn cũng như nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Người chăn nuôi lợn thêm một phen lao đao do giá lợn vừa giảm, vừa khó bán. Nhiều hộ chăn nuôi lâm vào tình trạng nợ nần, thậm chí phá sản. Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện bao trùm tâm lý lo lắng về dịch LTX. Nhu cầu tiêu thụ các món ăn truyền thống có thịt lợn như cơm tấm, hủ tiếu, bún giò heo, lạp xưởng, giò lụa, nem chua, bánh pía, bánh xèo... giảm mạnh, thậm chí rất khó bán. Tại các chợ, cho dù có con dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, nhưng thịt lợn vẫn khó bán và giá đã giảm 4.000 đến 5.000 đồng/kg so với mười ngày trước. Sức tiêu thụ thịt tại các sạp bán giảm trên 50%. Giá lợn hơi trên địa bàn TP Cần Thơ giảm 4.000 - 6.000 đồng/kg so với mười ngày trước, hiện nay chỉ còn ở mức 23.000 đến 25.000 đồng/kg, giá bán thịt lợn nạc ở mức 55.000 đến 56.000 đồng/kg, thịt đùi và ba rọi 50.000 đến 51.000 đồng/kg....
Không chỉ giá lợn giảm, ở Bà Rịa - Vũng Tàu các thương lái còn tìm cách ép cấp, ép giá người chăn nuôi. Theo đồng chí Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN và PTNT, hiện mức hỗ trợ của Nhà nước để tiêu hủy LTX đã cao hơn so với giá mua lợn của thương lái làm nhiều hộ chăn nuôi bỏ bê, không chăm sóc đàn lợn, muốn nhận tiền hỗ trợ, vừa thiệt hại cho ngân sách nhà nước, vừa gây khó khăn trong việc dập dịch. Tại Ðồng Nai, giá lợn hơi chỉ còn 22.000 đến 28.000 đồng/kg, giảm 7.000 đến 8.000 đồng/kg so với trước khi xảy ra dịch. Người chăn nuôi thua lỗ nặng. Lượng lợn xuất ra khỏi tỉnh giảm 20% so với trước. Mỗi ngày, tỉnh chỉ còn xuất khoảng 2.500 con, giảm hơn 500 con so với trước khi xảy ra dịch. Ðáng lo ngại là các hộ nuôi đang bán đổ bán tháo heo để chạy dịch. Trước sự hốt hoảng của người chăn nuôi, Sở NN và PTNT Ðồng Nai khuyến cáo, nếu cứ bán ồ ạt, giá lợn còn có thể xuống thấp hơn cả giá hỗ trợ tiêu hủy 25.000 đồng/kg.
Còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch
Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục thú y Ðồng Nai cho biết, để xảy ra dịch lần này là do người chăn nuôi nhỏ lẻ còn lơ là, chưa chủ động trong công tác phòng dịch. Cụ thể, chuồng trại không tiêu độc, sát trùng thường xuyên và tiêm phòng các bệnh bắt buộc chưa đầy đủ. Vì vậy, dịch chủ yếu bùng phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, còn các trang trại nuôi lợn được cách ly, sát trùng tiêu độc đúng quy trình của thú y hiện vẫn chưa bị bệnh tai xanh. Bên cạnh đó, địa phương cũng chưa chủ động trong công tác phòng dịch, đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện các phương pháp chăn nuôi an toàn. Tại Ðồng Nai, công tác quản lý việc vận chuyển, tiêu thụ heo ở một số nơi vẫn rất chủ quan. Ðây là nguyên nhân dẫn đến dịch lan rộng. Trong số bốn chốt kiểm dịch tại xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), chốt tại ngã ba Hươu Nai được xem là quan trọng nhất. Chốt được đặt tại km số 4 trên tỉnh lộ 767, đoạn đường nối giữa xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) và xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), hai địa phương đang bị dịch LTX hoành hành. Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp làm không đúng quy định. Tại chốt kiểm dịch này, khi cán bộ thú y phát hiện xe tải biển số 54T - 9639 do tài xế Phạm Hồng Hải điều khiển theo hướng từ ngã ba Trị An, dọc theo tỉnh lộ 767 chở 50 con lợn (trung bình 60 đến 70 kg/con) đi vào vùng dịch, mặc dù có giấy kiểm dịch của Chi cục Thú y Vũng Tàu nhưng cán bộ thú y xã Bắc Sơn - huyện Trảng Bom trực chốt kiểm dịch không xác minh số lượng lợn trên xe và cho xe đi vào vùng dịch.
Ngoài ra, người dân ở một xã ở Ðồng Nai khi phát hiện lợn ốm, thay vì báo cho chính quyền địa phương thì nhiều người bán đổ, bán tháo heo bệnh cho thương lái với giá rất rẻ. Bà Lương Thị Hường ở ấp 2, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), vùng có dịch đầu tiên của tỉnh kể: "Gia đình tôi có nuôi bốn con lợn nái và 20 con lợn con. Giữa tháng 7-2010, đàn lợn con bỗng dưng đổ bệnh chết 13 con, tiếp đó heo nái cũng đổ bệnh, hoảng quá tôi liền gọi thương lái đến bán chạy hai con còn khỏe được hai triệu đồng, còn hai con bệnh nặng đành cho không để họ mang đi vì đằng nào nó chả chết".
Một số xã khác không nằm trong vùng dịch, tình trạng heo chết vứt xuống suối cũng xảy ra như: xã Tam An (Long Thành), Phước Thiền (Nhơn Trạch), Lang Minh (Xuân Lộc), thị trấn Tân Phú (Tân Phú). Ở đây cũng cần đặt vấn đề đối với trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở khi để xảy ra tình trạng vứt xác lợn bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh.
Chưa có vắc-xin đặc trị
Bức xúc lớn nhất tại các tỉnh đang bùng phát dịch LTX là hiện người chăn nuôi vẫn chưa có vắc-xin đặc trị để phòng bệnh. Theo Chi cục Thú y Ðồng Nai, cơ quan này chỉ mới kiểm soát được 50% lượng thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn toàn tỉnh. Số còn lại vượt ra khỏi sự kiểm soát của các ngành chức năng và được bày bán tràn lan ở các chợ tự phát. Ðể xảy ra tình trạng trên là do các lò mổ chui hiện nay vẫn còn tồn tại mà chưa có biện pháp dẹp bỏ. Ngay trong vùng dịch xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) vẫn còn hai lò mổ chui, hoạt động công khai nhưng chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý.
Sau đợt dịch LTX bùng phát vào năm 2008 đến nay, Cục Thú y vẫn chưa xác định được phương cách điều trị bệnh và chưa tìm ra vắc-xin đặc trị. Hiện trên thị trường có bốn loại vắc-xin LTX đang được người chăn nuôi sử dụng. Chi cục trưởng Thú y Ðồng Nai Hoàng Sơn Hải, cho biết, các hộ chăn nuôi heo nên chủ động phòng ngừa là chính. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch LTX hiện nay, Chi cục đang làm các thủ tục đề nghị nhập từ 50 đến 60 nghìn liều vắc-xin để tiêm phòng cho tổng đàn heo của tỉnh.
Theo Sở NN và PTNT Tiền Giang, tính đến nay, Tiền Giang đã thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng do dịch LTX, trong đó người chăn nuôi trực tiếp bị thiệt hại hơn 500 tỷ đồng. Trong mấy năm qua, công cụ quan trọng nhất để ngăn chặn dịch là vắc-xin chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều tỉnh đặt câu hỏi: Tại sao Cục Thú y đưa 4 đến 5 loại vắc-xin vào Việt Nam, sau đó lại nói rằng các địa phương tự quyết định tiêm loại nào tùy thích? Ðại diện Cục Thú y cho biết ba năm qua vẫn chưa có vắc-xin khuyến cáo chính thức. Qua thực tế kiểm nghiệm của Cục Thú y, những loại vắc-xin này chỉ có giới hạn hiệu lực 40 đến 60% nhưng giá thành khá cao, ở mức 20.000 đến 40.000 đồng/liều. Chính vì vậy, Cục Thú y không bắt buộc người dân phải sử dụng vắc-xin bệnh tai xanh vì tiêm vắc-xin có hiệu lực như vậy thì lợn vẫn có thể bị bệnh. Hiện Cục Thú y đang xin Bộ NN và PTNT nhập tiếp 210 nghìn liều vắc-xin sống của Trung Quốc về khảo nghiệm. Có nghĩa là, nông dân và ngành thú y các tỉnh vẫn tiếp tục đợi thử nghiệm mới.
Trước bức xúc của các địa phương về việc dịch LTX liên tiếp bùng phát trong ba năm qua nhưng đến nay nước ta vẫn chưa có vắc-xin phòng, chống hữu hiệu, Bộ trưởng NN và PTNT Cao Ðức Phát đã yêu cầu Cục Thú y bằng mọi giá phải đưa ra được loại vắc-xin phù hợp nhất để giúp người chăn nuôi phòng, chống dịch.
Chủ động phòng dịch và giúp nông dân tiêu thụ lợn
Tỉnh Ðồng Nai đã có nhiều văn bản chỉ đạo rà soát kỹ các hộ chăn nuôi, phát hiện lợn có dấu hiệu tai xanh cho tiêu hủy ngay không cần đợi lấy mẫu kiểm tra để dập ổ dịch. Công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi heo thực hiện nghiêm phương châm "năm không": không giấu dịch; không mua bán, giết mổ động vật mắc bệnh; không mua bán, sử dụng các sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch; không thả rong, bán chạy các động vật mắc bệnh; không vứt xác động vật mắc bệnh bừa bãi ra môi trường. Ðồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch thịt lợn tại các chợ, các lò mổ. Ðối với các vùng bị dịch, biện pháp hữu hiệu nhất là cách ly tiêu độc, khử trùng, dập dịch. Còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã cử cán bộ thú y kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại từng hộ chăn nuôi, có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện ổ dịch; tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh; tổ chức tiêu độc khử trùng trên diện rộng, không theo kế hoạch, tại tất cả các hộ chăn nuôi ba lần/tuần kể từ nay cho đến khi khống chế được dịch bệnh; tạm ngưng vận chuyển lợn đực giống đi lại trên địa bàn để phối giống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan dịch bệnh... Ðồng thời nhanh chóng thành lập các chốt kiểm dịch nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ việc vận chuyển lợn, các loại gia súc, bằng cả đường bộ và đường thủy, ra vào khu vực, tăng cường thêm lực lượng cảnh sát giao thông tại các chốt kiểm dịch đầu mối.
Từ ngày 18-8, các đoàn công tác của Bộ NN và PTNT bắt đầu đi kiểm tra và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại một số tỉnh miền nam. Ðồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ xuất cấp (không thu tiền) 25.000 lít thuốc sát trùng Benkocid thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ ba tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang và Long An phòng, chống dịch LTX. Tuy nhiên, theo đại diện ngành thú y các tỉnh đang có dịch, điều cần thiết hiện nay là chính quyền và các cơ quan chức năng cần có phương án hỗ trợ nông dân, không để người chăn nuôi "tự bơi" như hiện nay.
Ðể chủ động tháo gỡ khó khăn, chia sẻ một phần thiệt hại với các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, tại cuộc họp ngày 18-8 vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức thu mua tạm trữ số lợn chưa nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của ngành thú y địa phương, hiện toàn tỉnh còn khoảng 30 nghìn con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng. Ngoài việc vận động các cơ sở giết mổ trong tỉnh tiêu thụ khoảng 20 nghìn con lợn khỏe trong vòng một tháng tới, số còn lại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trích ngân sách 25 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thương mại và Chế biến thực phẩm Phú An Sinh (huyện Tân Thành) vay không lãi suất để thu mua giết mổ cấp đông. Trước mắt, công ty này dự kiến mua với giá: lợn loại 1: 27.000 đồng/kg, loại 2: 25.000 đồng/kg, loại 3: 23.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi có thể yên tâm vì không lỗ.