Nghề trồng hoa đã ăn sâu vào máu thịt của chị, trước kia chị Hạnh đã từng trồng các loại cây hoa cúc, hướng dương, thược dược nhưng đều không có lợi nhuận, tốn rất nhiều công chăm sóc, thấy vậy, chị đã tìm đến cây lan và đã bén duyên với cây này.
Chị Hạnh cho biết, do lúc đầu chưa biết cách chăm sóc cây lan nên chỉ trồng với số lượng ít, nhiều lần cây bị chết và bị bệnh nấm dẫn đến thất bại. Dần dần chị đã làm quen với cây lan nên cây chết và sâu bệnh không còn nữa.
Chị Hạnh đang chăm sóc vườn hoa lan của gia đình.
Năm 2004, chị đã mạnh dạn vào TP.Hồ Chí Minh mua cây lan và vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi Nhánh Nha Trang với số tiền 20 triệu đồng để trồng lan. Đến nay, chị đã sở hữu trên 10.000 cây lan các loại gồm lan đen-rô (dendrobium), van-đa, cattleya và các loại hoa rừng khác. Mỗi loại lan có mức giá khác nhau, lan đen-rô cây trưởng thành có giá 30.000 – 50.000 đồng/cây, cây con giá 20.000 đồng/cây, lan cattleya trưởng thành giá 100.000 – 200.000 đồng/cây, cây con giá từ 30.000 – 50.000 đồng/cây, lan-van đa trưởng thành giá từ 150.000 – 200.000 đồng/cây, cây con giá từ 70.000 – 100.000 đồng/cây. Ngoài ra, chị Hạnh còn sở hữu nhiều loại cây có giá trị khác từ 1 – 5 triệu đồn/cây rất đẹp, hoa nhiều. Trung bình mỗi năm chị bán trên 7.000 cây hoa lan, sau khi trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng/năm. Thị trường xuất bán chủ yếu Ninh Hòa, Cam Ranh, Nha Trang, Vạn Ninh (Khánh Hòa) nhưng số lượng không đủ để cung cấp cho các khách hàng. Chúng tôi đến thăm vườn hoa lan của chị cũng là lúc chị vừa nhận được điện thoại khách hàng của tỉnh Đăk Lăk nhưng không có hàng để cung cấp nên chị đã hẹn lần sau.
Chị Hạnh cho biết: "Về kỹ thuật chăm sóc loại cây này phải ăn ngủ gắn bó với chúng, biết từng đặc tính của từng loại cây, tưới nước phải phân chia loại cây ra để tưới. Do nhiều người không biết cách chăm sóc dẫn đến cây bị chết. Trồng lan phải làm lưới che hạn chế tiếp xúc ánh nắng, trồng nơi cao ráo có giá để treo lan, mùa mưa không nên tưới nước nhiều, mùa nắng gắt tưới nước 2 lần vào buổi sáng và chiều, tách hoặc ghép cây chọn thời điểm sau tết là thích hợp, phun thuốc trừ sâu 1 lần/tuần, thuốc nấm 2 lần/tuần, phân bón hòa vào nước thật loãng tưới 1 lần/tuần, ban đêm phải soi đèn bắt các loại ốc bám trên lá và thân cây”. Để có những chậu lan đẹp chị đã tìm nguyên liệu cây dừa thiết kế làm các chậu đựng hoa lan rất gọn tinh tế hơn.
Chị Hạnh nhớ lại, đã có những thời điểm chị đã vay vốn của ngân hàng với số tiền 120 triệu đồng, chị rất lo lắng vì sợ không có nguồn chi trả, nhưng nhờ lan hút khách nên bán được giá và trả được hết nợ cho ngân hàng. Hiện chị đã có nguồn thu nhập ổn định từ vườn hoa lan, cơ sở trồng lan của chị cũng tạo việc làm cho 10 lao động thu nhập gần 3 triệu đồng/người/tháng, vườn lan của gia đình thu hút sự chú ý của nhiều đơn vị đến tham quan, trao đổi và làm điểm học tập thú vị cho những hộ muốn trồng lan, chị sẵn sang chia sẽ kinh nghiệm trồng cho bà con nào có nhu cầu. Trong thời gian tới chị sẽ mở rộng thêm diện tích để phát triển cây lan và cung cấp cho các tỉnh lân cận trong vùng.
Bên cạnh trồng lan, chị còn sản xuất 1,2 ha vườn cây ăn trái đang rất triển vọng.
Bà Nguyễn Thị Tặng – Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Thạnh cho biết, mô hình trồng hoa lan của chị Hạnh rất mới và đem lại thu nhập cao, rất có giá trị về kinh tế và phù hợp với khí hậu của tỉnh Khánh Hòa.