Khi cà phê “nhảy múa” như chứng khoán
Được đăng : 03/11/2016
Những ngày gần đây, thị trường cà phê đã xảy ra diễn biến chưa từng có trong tiền lệ với bước giá lên xuống mỗi ngày chênh lệch quá cao.
Những ngày gần đây, thị trường cà phê đã xảy ra diễn biến chưa từng có trong tiền lệ với bước giá lên xuống mỗi ngày chênh lệch quá cao.
Chỉ tính riêng trong ngày 16/6, giá bán cà phê ở sàn London giảm 69 USD/tấn. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam lâm vào thế bị động, chỉ qua một đêm đã mất 1,2 triệu đồng/tấn cà phê.
Tại sàn London (kỳ hạn giao tháng 7): ngày 12/6 giá cà phê 1.533 USD/tấn; ngày 13/6 là 1.525 USD/tấn; ngày 15/6 là 1.515 USD/tấn; ngày 16/6 “đao” thẳng xuống 1.446 USD/tấn; ngày 17/6 lại lên 1.470 USD/tấn; ngày 18/6 xuống 1.441 USD/tấn; ngày 19/6 lên 1.465 USD/tấn. Với bước giá lên xuống mỗi ngày cao như vậy, các chuyên gia nhận xét: giá cà phê “nhảy múa” chẳng khác gì giá cổ phiếu.
Doanh nghiệp xuất khẩu trở tay không kịp
Từ đầu năm 2009 đến nay, nước ta đã xuất khẩu được 680 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 1 tỷ USD, với giá bình quân 1.499 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, tuy sản lượng xuất khẩu cà phê tăng cao tới 37%, nhưng tổng giá trị kim ngạch vẫn giảm.
Cà phê Việt Nam hiện đang được tiêu thụ tốt tại thị trường Bỉ, Đức, Mỹ... Suốt từ đầu năm tới nay, giá cà phê đã luôn biến động giảm dần. Vào tháng 1/2009 giá giao dịch ở sàn London đạt 1.700 USD/tấn và giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 1.550 USD/tấn FOB. Nhưng thời điểm hiện tại, giá cà phê sàn London đã giảm mất 230 USD/tấn, và giá xuất khẩu của cà phê nước ta cũng mất 140 USD/tấn FOB.
Nguyên nhân khiến giá cà phê thế giới biến động mạnh trong vòng một tuần trở lại đây là do các nhà đầu cơ cố tình lũng đoạn thị trường. Trong suốt mấy ngày họ ngừng mua để đẩy giá xuống thấp khiến giới kinh doanh cà phê chới với không thể dự đoán được tình hình. Ngày 19/6/09, trong khi các nhà rang xay và bán buôn đứng ngoài giao dịch, thì các nhà đầu tư vào quỹ đã đột ngột mua vào khiến giá cà phê quay đầu tăng.
Diễn biến thị trường khó lường khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam chới với vì nhập vào với giá cao, nhưng khi xuất khẩu giá giảm đột ngột. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng trong ngày giá giảm mạnh (16/6) bị mất tới 1,2 triệu đồng/tấn so với nếu như ký hợp đồng trước đó một ngày.
Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê , sự biến động với biên độ lớn trong một thời gian ngắn như thế này chắc chắn làm cho doanh nghiệp trở tay không kịp. Hoặc lãi to hoặc lỗ lớn, nhất là với những doanh nghiệp lỡ vay số tiền lớn đầu cơ “may rủi” với cà phê.
Trước những biến động của thị trường cà phê, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này phải hết sức thận trọng. Để giảm thiểu rủi ro trong việc ký hợp đồng xuất khẩu cà phê trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp khi bán cà phê giao sau cần nhận định sát về thị trường, nếu xu hướng giá tăng thì không nên vội vã ký hợp đồng ngay, nếu xu hướng giá giảm thì phải tìm cách “chốt” giá sớm và có sự phối hợp thông tin với nhau. Các doanh nghiệp cũng nên chú ý tính mức trừ lùi hợp lý với sàn London, tránh để bị ép giá và gây thiệt hại cho mình.
Mới đây, Bộ Công thương cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp cần giảm ngay các khâu trung gian trong xuất khẩu cà phê, để cung cấp cà phê tới tay những người tiêu dùng cuối cùng là các nhà máy chế biến cà phê và những người dân tại các thị trường nước ngoài, từ đó giảm thiểu được áp lực biến động và tăng thêm lợi nhuận trực tiếp cho mình.
Vẫn nhiều triển vọng
Trong khi giá cà phê Robusta trên thị trường London sau khi giảm xuống quá thấp và hiện chỉ dao động ở mức dưới 1.465 USD/tấn, thì cà phê Arabica vẫn được kỳ vọng là sẽ hồi phục giá bán trở lại trong những ngày tới đây. Ngày 19/6, giá cà phê Arabica giao tháng 9 tại thị trường New York ICE tăng 2 cent đạt 1,2285 USD/lb sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tuần (1,2015 USD/lb).
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê thế giới vụ 2009/2010 này ước đạt 127,4 triệu bao (bao 60 kg), giảm 7,3 triệu bao, tức là 5 % so với vụ mùa bội thu năm ngoái đạt 134,8 triệu bao. Nước giảm nhiều nhất phải kể đến Brazil, nơi trồng rất nhiều cà phê chè đang phải chịu đợt mất mùa diễn ra 2 năm 1 lần, làm giảm sản lượng của nước này xuống còn 43,5 triệu bao, tức là thấp hơn 8 triệu bao so với sản lượng vụ 2008/20009.
Tuy vậy, USDA cho rằng Brazil đã có điều kiện thuận lợi giúp cho ngành cà phê phát triển. Trong báo cáo về ngành cà phê, bộ này cho biết Colombia và ấn Độ cũng được đánh giá là đang trên đà thoát khỏi sự tuột dốc về sản lượng cà phê. Sản lượng của Colombia vụ 2009/2010 này ước tính tăng từ 1,7 triệu bao lên đến 12,2 triệu bao do có nhiều điều kiện thuận lợi cho cây cà phê phát triển. Sản lượng của ấn Độ đã tăng từ 500.000 bao lên đến 4,9 triệu bao nhờ có mưa kịp thời.
Sản lượng cà phê của Việt nam ước tính giảm 1,3 triệu bao, xuống còn 18,4 triệu bao trong vụ 2009/2010 này do mưa lớn, cây ra hoa thất thường và giá nhân công tăng cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên, Brazil và Việt Nam cùng chiếm 49% tổng sản lượng cà phê thế giới.
Nhìn chung, vụ 2009/2010 tổng sản lượng xuất khẩu cà phê nhân toàn thế giới ước đạt 91,7 triệu bao, giảm 2,3 triệu bao so với vụ năm trước. Bởi vậy, nguồn cung cà phê thế giới năm nay thấp hơn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam không nên vội vã xuất khẩu vào những lúc thị trường giảm mạnh như lúc này, bởi như vậy sẽ chỉ tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ nước ngoài khống chế thị trường để kiếm lợi cao.