Năm nay, ở nhiều tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL, đến lượt con tôm nguyên liệu bị thương nhân Trung Quốc vào tranh mua cũng quyết liệt không kém. Tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh miền Trung đang có giá khoảng 38.000-40.000 đ/kg thì thương nhân Trung Quốc vào mua với giá 45.000 đ/kg. Còn ở ĐBSCL, giá tôm sú cũng bị thương nhân Trung Quốc đẩy giá thu mua lên cao hơn nhiều so với giá mua của các DN địa phương. Vậy là ngay lập tức, một lượng lớn tôm thẻ, tôm sú nguyên liệu đang theo nhau "ngược" lên biên giới Việt- Trung để phục vụ nhu cầu chế biến của các NM tôm ở mấy tỉnh phía Nam Trung Quốc. Trước tình cảnh đó, các NM chế biến tôm ở miền Trung và ĐBSCL đành bất lực, khoanh tay đứng nhìn, vì nếu “đua” với người Trung Quốc thì chắc chắn lỗ. Nhiều DN cho biết, đây là hiện tượng “chảy ngược” của con tôm nguyên liệu. Bởi trước đây, do thiếu hụt tôm nguyên liệu, các DN ở miền Trung thường phải lặn lội sang các tỉnh ven biển phía Nam Trung Quốc để nhập tôm thẻ chân trắng nguyên liệu. Năm nay, do khu vực ven biển phía Nam Trung Quốc bị thiếu trầm trọng tôm chế biến, các DN Trung Quốc lại sang mua vét tôm nguyên liệu của Việt Nam, trong khi ngay chính ngành tôm Việt Nam cũng đang thiếu trầm trọng. Cú “chảy ngược” của con tôm nguyên liệu đang đặt ra nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm. Nhiều DN Việt Nam cho rằng sở dĩ thương nhân Trung Quốc có thể mua tôm nguyên liệu giá cao vì họ gian lận thương mại (cho bơm tạp chất vào tôm để tăng khối lượng). Điều này đúng, nhưng chỉ một bộ phận chứ không phải tất cả thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua tôm đều làm như vậy. Vậy tại sao các DN Trung Quốc từ xa đến mà vẫn có thể mua tôm nguyên liệu với giá cao hơn hẳn so với các DN sở tại, giống như trước đây người Trung Quốc đã sang mua dừa? Câu hỏi này rất cần sớm có lời giải đáp. |