Thời tiết rất khô ở khu vực Nam Âu, nhất là ở Bồ Đào Nha (nơi tháng 2 được xem là tháng khô nhất kể từ 80 năm nay) và ở Tây Ban Nha, gây thiệt hại cho sản xuất ngũ cốc và khó khăn cho ngành chăn nuôi.
Hiện tượng khô hạn làm gia tăng nạn cháy rừng và lượng nước mặt hiện đã thấp hơn 80% so với mức thông thường.
Kênh thông tin về thời tiết của Cơ quan khí tượng Pháp (Météo France) cho hay không có sự cải thiện tình hình, lượng mưa quá ít, có thể gây bất lợi cho các vụ mùa sắp tới.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã yêu cầu sự trợ giúp tài chính của châu Âu nhằm khắc phục tình trạng khô hạn. Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ phải rót khoảng 5,5 tỷ euro cho Tây Ban Nha trong thời gian sớm nhất có thể. Các nước khác như Hy Lạp, Cộng hòa Síp, cả Anh cũng đang lo lắng về tình trạng khô hạn.
Tại Pháp, nạn khô hạn đã đạt mức kỷ lục kể từ hơn 50 năm nay, khiến chi phí sản xuất nông nghiệp gia tăng. Sau một năm 2011 được xem là kỷ lục về nóng với mùa xuân gần giống như mùa hè, năm 2012, thời tiết tuy có dịu hơn ít nhiều song lại rất khô hanh.
Một số khu vực gần biển Địa Trung Hải đã không có mưa kể từ đầu năm. Các lớp nước giếng dưới lòng đất ngày càng cạn kiệt.
Theo Cơ quan nghiên cứu địa chất và mỏ, thâm hụt lượng mưa tại Pháp là cao nhất kể từ năm 1959. Năm 2011, nạn hạn hán xảy ra đối với ngành nông nghiệp Pháp đã khiến con số thống kê thiệt hại lên tới 241,7 triệu euro.
Tình trạng khô hạn đặc biệt tác động tới các nước Bắc Phi ven biển Địa Trung Hải. Morocco (ngành nông nghiệp chiếm tới 16,6% GDP và sử dụng 45% lao động) có thể phải nhập khẩu lượng lúa mỳ kỷ lục lên tới 5 triệu tấn trong năm 2012-2013.
Do tình trạng hạn hán, ngành nông nghiệp Morocco chỉ còn có thể sản xuất 2,3 triệu tấn lúa mỳ, so với 6 triệu tấn năm 2011.
Chương trình lương thực thế giới cũng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng khô hạn tại Mauritani. Do việc sụt giảm một nửa sản lượng ngũ cốc, số người ở nước này sống trong tình trạng thiếu lương thực có thể lên đến 900.000 người, chiếm 25% dân số.
Tại Texas (Mỹ), theo Cơ quan nghiên cứu hàng đầu về nông nghiệp Agrilife, thiệt hại cho ngành nông nghiệp do hạn hán mất mùa, đã đạt con số kỷ lục, lên tới 7,6 tỷ USD (trong đó 2,2 tỷ USD cho ngành bông sợi), tăng gấp hai lần so với giai đoạn khô hạn kỷ lục được ghi nhận vào năm 2006./.