00:00 Số lượt truy cập: 3075319

Khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị kinh tế rừng 

Được đăng : 03/11/2016

Trong 12 năm thực hiện nghiên cứu các đề tài phát triển lâm nghiệp bền vững (giai đoạn từ 1998- 2010), tỉnh Tuyên Quang đã áp dụng thành công 8 đề tài nghiên cứu ứng dụng về phát triển lâm nghiệp, qua đó tuyển chọn được một số đề tài mới và đặc sắc là chuyển giao trồng khảo nghiệm giống bạch đàn đỏ; giống gỗ lát Mêxicô, đánh giá chính xác tuổi khai thác hợp lý của cây keo lai làm nguyên liệu giấy…


Thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, các ngành chức năng Tuyên Quang còn xác định cụ thể các chỉ tiêu sinh trưởng, tính kháng chịu sâu bệnh từng loại cây lâm nghiệp làm cơ sở bổ sung cho bộ giống cây lâm nghiệp trên toàn địa bàn, qua đó góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất lâm nghiệp, cũng như nâng cao hệ số sử dụng đất lâm nghiệp trong những năm qua.

Để việc trình diễn được cụ thể, chi tiết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng hoàn chỉnh 7 mô hình bao gồm: Mô hình trồng 224 ha dây mây nếp dưới tán rừng, 78 ha măng Bát độ. Ngoài ra, thành lập 23 đơn vị sản xuất cây giống, làm mới 21 vườn ươm kiên cố, 21 vườn ươm tạm thời để chọn lựa các giống cây con cho phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng. Qua đó tiến hành mở rộng trồng mới được 79.666 ha rừng tập trung, trong đó có 60.985 ha rừng sản xuất.

Chất lượng rừng Tuyên Quang đang ngày một tăng, nếu năm 1998 trở về trước, sản lượng gỗ rừng trồng chỉ đạt khoảng 40 m3/ha, thì từ năm 2001 trở lại đây, sản lượng đều đạt trên 80 m3/ha. Một số diện tích đã sử dụng giống keo hạt nhập ngoại thì sản lượng gỗ đến kỳ thu hoạch đã đạt khoảng 100 m3/ha.