00:00 Số lượt truy cập: 2999424

Khoan giếng trên ruộng để lấy nước phục vụ sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016

Trong khi chờ tuyến kênh thuỷ lợi hoàn thành, người dân thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã không bỏ hoang số diện tích đất khô hạn mà chủ động tự bỏ tiền ra đào giếng khoan ngay trên ruộng để lấy nước phục vụ sản xuất. Việc làm này vừa mang lại thu nhập vừa tránh để hoang hoá số diện tích đất bị khô hạn.


Thôn Kim Giao hiện có 195 ha ruộng nằm ở vị trí cao, không tiếp cận được với nguồn nước từ các tuyến kênh mương thuỷ lợi nên trước đây đời sống của nông dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của các ban ngành địa phương, những năm qua phần lớn diện tích trên đều đã dần tiếp cận được với nguồn nước sản xuất từ hệ thống các máy bơm nội đồng nên có thể sản xuất được cả hai vụ. Trong số 195 ha ruộng cao thì có khoảng 7 ha nằm gần ở trục đường liên xã và một số vị trí ở sâu trong thôn không thể đưa được nguồn nước vào, nguy cơ bỏ hoang là rất lớn.

Không đành bỏ hoang số diện tích trên, cách đây khoảng 4 năm, người dân thôn Kim Giao đã nghĩ ra cách là thuê đào giếng dùng máy bơm nước chạy bằng điện (loại máy bơm nước bằng điện dùng trong gia đình) ngay tại chân ruộng để lấy nguồn nước sản xuất. Từ một vài giếng ban đầu, đến nay toàn thôn đã có khoảng 20 máy bơm điện do người dân tự bỏ tiền làm phục vụ sản xuất. 

Dùng giếng khoan để lấy nước tưới cho lúa mang lại hiệu quả cao.


Ông Châu Ngọc Chương, một nông dân thôn Kim Giao cho biết: “Vụ đông xuân thì hạn hán ít hơn nhưng bước vào vụ hè thu thì hầu hết số ruộng cao trong thôn đều bị hạn nặng. Trước đây khi chưa có giếng khoan thì chúng tôi tận dụng nguồn nước tại các ao, hồ... nhưng những năm vừa rồi do hạn nặng nên nguồn nước này cũng trở nên khô kiệt vì thế chúng tôi nghĩ phải khoan giếng bơm. Và nhờ làm các giếng bơm mà số diện tích đất khô hạn của gia đình tôi đã có thể sản xuất, không bỏ hoang. Có nước thường xuyên nên chúng tôi luân canh một vụ lúa một vụ màu, mang lại thu nhập đáng kể”.

Ông Chương cho biết, gia đình ông và nhiều gia đình khác bắt đầu đóng giếng khoan vì không đành nhìn ruộng khô cháy, nứt nẻ do thiếu nước. Bình quân mỗi hộ bỏ ra số tiền khoảng 200.000- 300.000 đồng để thuê thợ khoan giếng, mua thêm máy bơm điện khoảng 800.000 đồng nữa là có được “hệ thống cung cấp nước”, phục vụ cho diện tích ruộng của mình.

“Giếng thì chúng tôi đóng một lần nhưng lại dùng trong nhiều vụ, máy bơm thì có thể 2- 3 gia đình dùng chung cũng được nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Và thực tế nhờ nguồn nước tự cung cấp này mà những năm qua chúng tôi đã có thu nhập đáng kể, không phải bỏ hoang phí số ruộng khô trên”, ông Châu cho biết thêm.

Ngoài trồng lúa, số diện tích đất này được người dân luân canh trồng các loại cây hoa màu như đậu xanh, dưa quả, ném, kiệu... cho thu nhập ổn định. Bình quân mỗi héc ta đậu xanh, trừ chi phí cũng cho thu nhập trên 60 triệu đồng/vụ; dưa quả thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/vụ...

Ông Văn Ngọc Tiến Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết: “Về chủ trương, do thiếu nguồn nước sản xuất nên chúng tôi khuyến khích bà con chuyển đổi số diện tích khô hạn trên sang trồng các loại cây hoa màu phù hợp, giảm trồng lúa để tiết kiệm nguồn nước cung cấp.

Và việc bà con tự đóng giếng khoan để chủ động nguồn nước sản xuất những năm qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Chúng tôi rất phấn khởi vì người dân đã không trông chờ ỷ lại, bỏ đất hoang hoá mà tự bỏ tiền tìm kiếm nguồn nước để phục vụ sản xuất cho mình trong khi chờ tuyến kênh thuỷ lợi hoàn thành đưa vào sử dụng”.