Trong khi lúa đông xuân của nông dân ĐBSCL còn đầy ắp trong nhà, chờ giá để bán thì mỗi ngày lại có hàng nghìn tấn “lúa sóc” từ Campuchia tràn vào, tăng sức ép lên lúa nội.
Campuchia đang rộ mùa thu hoạch lúa, một lượng lớn lúa tràn qua khu vực biên giới tỉnh An Giang vào Việt Nam, đổ vào thị trường nội địa. Thương lái chuộng mua loại lúa này vì giá rẻ hơn lúa trong nước 200 - 300 đồng một kg.
Dọc theo kênh Vĩnh Tế, đoạn từ cầu sắt Hữu Nghị đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (tỉnh An Giang), mỗi ngày có vài chục xe ba gác “siêu tải” chở đầy “lúa sóc” từ bên Campuchia sang, nối đuôi nhau đợi giao hàng ngay tại chân cầu Hữu Nghị. Tại đó, hàng trăm công nhân người Việt và Campuchia liên tục bốc dỡ những bao lúa 60 - 70 kg đưa xuống ghe.
“Lúa sóc” nhập về được chất thành những đống cao vút trên khoảng đất trống gần 5 ha bên kênh Vĩnh Tế. Dưới kênh, hàng nghìn chiếc ghe, tải trọng từ vài chục đến cả trăm tấn, của thương lái ở khắp các tỉnh ĐBSCL neo đậu dài gần cây số chờ mua lúa về xay bán.
Tại xã An Nông, cách trung tâm huyện Tịnh Biên gần ba km (hướng về Hà Tiên - Kiên Giang), bên bờ kênh Vĩnh Tế đang hình thành bãi tập kết lúa gạo tự phát rất đồ sộ (dân địa phương gọi là Bến lúa 21) với nhiều kho chứa lúa lớn, mái lợp tôn của các “đại gia” Ba Túc, Ba Diệp, Tám Kiện, Tư Háo, bà Phượng, bà Thúy... Thương lái các tỉnh ĐBSCL, TP HCM đưa xe tải đến mua lúa về xay rồi bán lại cho các vựa trong nước.
Theo nhận định chung của nhiều thương lái, một chuyến đi mua “lúa sóc” tuy mất cả tuần nhưng lời gấp 2 - 3 lần so với mua lúa trong nước vì giá rẻ hơn. Ông Tám Kiện, một chủ vựa lúa ở đây, cho biết: “Chỉ tính 20 chủ vựa lớn ở khu vực biên giới cung cấp cho thương lái các tỉnh ĐBSCL mỗi ngày trên 1.000 tấn lúa Campuchia”. Bà Ngô Thị Ái, một lái lúa từ Thốt Nốt (Cần Thơ) đến mua lúa, cho biết, lúa này có nguồn gốc từ Thái Lan, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì dẻo, ngon cơm, được trồng tự nhiên…
Trước tình trạng lúa nội đang… khóc ròng vì “lúa sóc”, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng, điều này có nguyên nhân từ nhiều doanh nghiệp chỉ lo xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Hơn nữa, gần đây có nhiều người Việt qua Campuchia thuê đất canh tác lúa, mỗi năm đem về hàng trăm nghìn tấn lúa…
Theo Hiệp hội lương Việt Nam (VFA), giá lúa tại ĐBSCL đang có chiều hướng giảm nhẹ. Tuần qua, giá thu mua tại kho của các nhà máy khoảng 4.000 đồng một kg, giảm 100 - 150 đồng so với tuần trước đó. Giá gạo nguyên liệu cũng giảm nhẹ, loại 1 (gạo 5% tấm) khoảng 5.500 - 5.600 đồng một kg, gạo 25% tấm từ 5.300 đến 5.500 đồng… Hiện vụ thu hoạch lúa đông xuân tại các tỉnh cơ bản đã hoàn thành.