"Điều quan trọng là chúng ta phải tạo được nguồn hàng cung cấp ổn định với số lượng lớn, đảm bảo VSATTP, kiểm dịch động, thực vật để vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu... ", Thứ trưởng Biên nói.
Trở ngại lớn hiện nay, theo Thứ trưởng Biên, là sản lượng nhiều loại nông sản xuất khẩu hiện đã kịch trần; do vậy, khả năng tăng khối lượng xuất khẩu sẽ rất khó, điển hình như lúa gạo, thủy sản, cà phê... Để tăng kim ngạch các mặt hàng nông sản, phải tăng thêm giá trị gia tăng và đa dạng hoá sản phẩm, đồng thời mở rộng ra thị trường mới.
Một vấn đề nữa là các sản phẩm nông sản phải đảm bảo VSATTP. Tuy Việt Nam đã từng bước đáp ứng được yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu, song, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với tình trạng các lô hàng bị trả lại do không thể "qua mặt" được cơ quan kiểm dịch các nước nếu có vấn đề về chất lượng và VSATTP.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, ông Vũ Trọng Nghĩa, nói rằng, chỉ cần một bao chè, gói vừng có mọt là họ cấm xuất khẩu ngay. Vừa qua, Nga cũng đã đóng cửa với nhiều DN thuỷ sản Việt Nam và chỉ nhập lại của các công ty mà cơ quan chức năng nước này xác định đáp ứng được yêu cầu VSATTP của họ. Vì thế, xuất khẩu nông sản sang Nga luôn cực kỳ nhạy cảm.
Mới đây nhất, các sản phẩm chè, thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan cũng bị từ chối nhập khẩu. Lý do, theo ông Hồ Ngọc Phi, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan), là do năm ngoái, sản lượng xuất khẩu không đạt chuẩn VSATTP của Việt Nam sang thị trường này tăng nhanh. Sau khi làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, phía bạn đã tạm thời không đình chỉ xuất khẩu và yêu cầu phải khắc phục ngay.
Ông Vũ Văn Chung, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng, nếu chúng ta không xử lý tận gốc vấn đề VSATTP, từ quy hoạch vùng sản xuất, quy trình thu hoạch, chế biến các loại rau quả xuất khẩu thì chúng ta sẽ tự đẩy mình ra khỏi “cuộc chơi”.
Đơn cử, việc ký kết các văn bản thỏa thuận với các thị trường để công nhận chất lượng các loại nông sản xuất khẩu cần phải được thực hiện dựa trên quá trình thực hiện đầy đủ các bước xây dựng vùng sản xuất nông sản sạch với sự tư vấn, giám sát của các chuyên gia nước ngoài.
Ngoài ra, một hạn chế cố hữu là Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các đơn hàng nông sản nhập khẩu với số lượng lớn. Ông Vũ Văn Chung nhận xét, chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn hàng, DN cung ứng đủ số lượng cho từng thị trường. Ví như Nhật Bản là thị trường đầy tiềm năng về hàng nông sản tươi và qua chế biến, song cũng yêu cầu rất lớn về nguồn hàng mà Việt Nam chưa đáp ứng được.
Hay ở Nga hiện cũng có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng từ dứa, dưa chuột, hạt tiêu... nhưng trong nước lại không có DN nào đáp ứng được với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương, nguyên Tham tán thương mại tại Mỹ), nói thêm, Hoa Kỳ là thị trường có quy mô rất lớn. Vấn đề là nguồn cung nông sản của Việt Nam và sản phẩm có đạt yêu cầu về chất lượng hay không, giá thành như thế nào?
Ông Khiên cho rằng, các mặt hàng có quy mô sản lượng nhỏ rất khó vào Mỹ. Song, thay vào đó, chúng ta có thể tăng xuất khẩu một số sản phẩm chế biến sẵn để đáp ứng nhu cầu của hơn 1 triệu Việt kiều, từ đó, mở rộng ra thị trường gốc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Các mặt hàng khác như hạt điều, tiêu, cao su... do số lượng có hạn, các DN nên tập trung chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm để có giá thành cao; đồng thời, tìm tới khách hàng mua tận gốc, bán tận ngọn.