00:00 Số lượt truy cập: 3041601

Khôi phục nghề nuôi thả cánh kiến đỏ ở Thanh Hoá 

Được đăng : 03/11/2016
Nuôi thả cánh kiến đỏ là một trong những nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa. Huyện Mường Lát đã từng được coi là cái nôi của nghề nuôi thả cánh kiến đỏ của cả nước.

Sản phẩm nhựa cánh kiến đỏ được xếp vào mặt hàng " lâm, thổ sản" quý hiếm ở nước ta, được dùng trong công nghiệp vecni, sơn cách điện cao cấp cho máy bay, đồ điện tử, những sản phẩm có khả năng chịu nhiệt cao, chịu axít, chịu tác động khắc nghiệt của môi trường, dùng trong mỹ phẩm, dược phẩm, sản xuất ni lông tự huỷ...

Những năm 70, 80 của thế kỷ XX, Nhà nước ta đã đầu tư phát triển hàng loạt các lâm trường trồng rừng nuôi thả cánh kiến và sản phẩm nhựa cánh kiến đỏ là mặt hàng xuất khẩu giữ vị trí quan trọng của Việt Nam sang thị trường Liên Xô. Trong thời gian đó, Lâm trường Mường Lát đã trồng hàng trăm ha rừng cây Cọ phèn và sản lượng cánh kiến đỏ đã lên tới hàng trăm tấn. Sau này do mất thị trường Đông âu, cùng với những thay đổi trong cơ chế quản lý các lâm trường quốc doanh và sự thiếu quan tâm của nhiều cấp, cùng nhiều nguyên nhân khác, khiến việc sản xuất cánh kiến đỏ tại Mường Lát bị suy thoái và trầm lắng với sản lượng khiêm tốn chỉ vài trăm kg bán cho các xe tải. Hàng loạt hecta rừng cọ phèn bị chặt hạ làm củi, lấy gỗ, thậm chí đốt bỏ để lấy đất canh tác nương rẫy.

Từ năm 2000 đến nay, nhu cầu thị trường nhựa cánh kiến đỏ nước ta cã xu hướng tăng lªn. Nhiều người đã thu gom cánh kiến đỏ cung cấp cho các cơ sở chế biến trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung quốc theo đường tiểu ngạch. Năm 2006 tỉnh Điện Biên đã sản xuất và bán được 130 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung quốc. Nhựa cánh kiến đỏ của huyện Mường Lát đã được một số người thu gom cung ứng cho các cơ sở chế biến tại Hà Tây, Nam Hà, Hoà Bình Tuy nhiên sản lượng không nhiều, trung bình 500 kg-1tấn/ năm, cao nhất đạt 4 tấn (năm 2004). Giá nhựa thô cánh kiến đỏ tại Hà Nội tăng từ 7.000 đồng/ kg (năm 2000) lên 55.000 đồng/ kg (năm 2006). Tại huyện Mường Lát giá cánh kiến đỏ tăng từ 5.000 đồng/kg (năm 2000) lên 35.000 đồng/ kg (tháng 2 năm 2007).

Được sự tài trợ của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi Trường toàn cầu (GEF SGP), năm 2007 Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa đã tổ chức triển khai dự án " Khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ ở đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát". Mục tiêu của dự án là khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ thông qua xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tiên tiến nhằm bảo tồn giống cánh kiến đỏ, tăng giá trị kinh tế ở vùng rừng phòng hộ đầu nguồn, tăng năng suất nhựa cánh kiến, đồng thời tăng cường năng lực tiếp thị sản phẩm cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Theo khảo sát của các chuyên gia Dự án: Huyện Mường Lát có rất nhiều tiềm năng để khôi phục và phát triển nghề nuôi thả cánh kiến đỏ. Mường Lát có nguồn cây chủ rất phong phú như cây Cọ phèn, cây Pích niếng, cây Sung, cây Kháo lá to (Cọ Côm), cây Cơi, cây Cọ Khiết. Ngoài ra, cây đậu Thiều ở Mường Lát được trồng nhiều trên nương rẫy, bờ rào, trồng thuần hay xen canh cây nông nghiệp, cây có tuổi sinh trưởng từ 2 -3 năm. Tất cả đều thả được cánh kiến đỏ. Đậu thiều là cây chủ có ý nghĩa quan trọng trong cải tạo đất và luân canh chuyển đổi phương thức canh tác nương rẫy, kết hợp sản xuất hoa màu xen canh trồng đậu thiều thả cánh kiến đỏ.

Sau quá trình hoạt động, các chuyên gia Dự án đã phát hiện ở Mường Lát có hai dòng rệp cánh kiến đỏ sinh trưởng và phát triển. Dòng cánh kiến chính vụ, thu hoạch nhựa trong vụ hè (thả tháng 5, thu tháng 10) và vụ đông chủ yếu giữ giống (thả tháng 10, thu tháng 5 năm sau); Dòng cánh kiến trái vụ, thả tháng 1- 2 thu tháng 8, 9 và thả tháng 9 thu tháng 1- 2 năm sau, nhưng dòng cánh kiến này cho sản lượng thấp và không ổn định.

Qua 2 năm triển khai dự án, Mường Lát đã từng bước khôi phục được nghề sản xuất cánh kiến đỏ. Dự án cải tạo, trẻ hoá 45,5 hecta rừng cọ phèn, trồng mới 29 hecta rừng đậu thiều. Đã thả cánh kiến trên 28,5 hecta rừng cọ phèn và 19 hecta đậu thiều, trong đó có 12 hecta đậu thiều thả vụ thứ 2. Đã cung ứng 2389 kg giống chất lượng tốt cho các hộ đăng ký tham gia. Sản phẩm sặng hàng hoá hiện có ở trong dân vừa thu hoạch lên tới 6-7 tấn.

Để nâng cao năng lực cho cộng đồng, Dự án đã tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả kiến tiên tiến, kỹ thuật luân kỳ thâm canh, phòng trừ sâu bệnh cho kiến và các loại cây chủ với gần 1000 người dân tham gia. Đặc biệt Dự án tổ chức 2 đợt tham quan cho cán bộ và nông dân tham gia Dự án, 1 đợt tham quan Điên Biên, là tỉnh đang có nghề nuôi thả cánh kiến đỏ phát triển trong nước, 1 đợt tham quan Thái Lan là nước mà năm 2007 xuất khẩu hơn 9000 tấn sặng cánh kiến đỏ ra thị trường thế giới.

Cũng thời gian này, nhiều xã như Mường Chanh, Quang Chiểu đã có ý thức tự giữ giống và mở rộng sản xuất. Nhìn chung, các cộng đồng Mường Lát đang rất quan tâm khôi phục nghề sản xuất cánh kiến đỏ, khai thác tiềm năng cây chủ, phát triển kinh tế lâm nghiệp bằng nghề nuôi thả cánh kiến đỏ kết hợp với bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.

Tuy nhiên, để Mường Lát khôi phục tốt được nghề nuôi thả cánh kiến đỏ cần đổi nhận thức cộng đồng từ bán sản phẩm sẵn có sang kinh doanh cánh kiến đỏ theo yêu cầu thị trường. Nâng cao năng lực tiếp cận và phát triển thị trường cánh kiến đỏ; Thành lập nhóm sở thích kinh doanh cánh kiến đỏ tại các cộng đồng dân tộc; Hoàn thiện kỹ thuật nuôi thả rệp cánh kiến trên cây cọ phèn và cây đậu thiều bảo đảm năng suất tối ưu. Đặc biệt, chú trọng chuyển giao kỹ thuật, phổ biến cho người dân qua các lớp tập huấn và hội thảo khoa hoc. Mở rộng diện tích trồng đậu thiều xen canh cây nông nghiệp trên nương rẫy tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Với phương thức xen canh đậu thiều với bông, ngô, đậu thiều với lúa, đỗ; Cải tạo rừng cọ phèn thành rừng sản xuất cánh kiến đỏ kết hợp phòng hộ đầu nguồn.

Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, việc khôi phục nghề sản xuất cánh kiến đỏ ở Mường Lát chắc chắn sẽ đạt được những kết quả tốt vừa góp phần bảo tồn tri thức bản địa, vừa phát triển kinh tế - xã hội vùng cao và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ đầu nguồn.