Ðể giải tỏa tâm lý cho các hộ nuôi cá bị thiệt hại nặng cuối năm 2008, Tiền Giang đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nuôi gắn kết với doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu cá tra nguyên liệu, đồng thời triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 4% theo chủ trương của Chính phủ đối với người nuôi cá để nhằm vực dậy phong trào nuôi cá tra, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sáu nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh, có công suất khoảng 50 nghìn tấn đến 70 nghìn tấn/ năm. Nhưng tình hình nuôi cá tra đến nay vẫn không mấy sáng sủa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 123 ha nuôi cá tra công nghiệp, sản lượng hơn 30 nghìn tấn. Tuy nhiên, khó khăn trước hết ở vụ nuôi năm 2009 là giá cá tra bình quân ở mức 16 nghìn đến 16.500 đồng/kg chưa kích thích người nuôi cá tra mở rộng diện tích. Năm nay, bệnh trên cá lại xuất hiện nhiều, chủ yếu là bệnh gan cá có mủ đã gây thiệt hại hơn 100 nghìn con. Hơn nữa, hiện nay các ao nuôi cá của nông dân đang bắt đầu thu hoạch thì lại gặp khó khăn là giá cá đang xuống ở mức thấp, các doanh nghiệp thì thu mua nhỏ giọt, người nuôi cá đang lo lắng nguy cơ ứ đọng do cá quá lứa không tiêu thụ được, dẫn đến thua lỗ. Cụ thể, thời gian gần đây, giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm từ 800 đến 1.600 đồng/kg. Cá tra loại tốt thịt trắng, (trọng lượng 0,8 đến 1kg/con) dao động ở mức 15.400-15.600 đồng/kg; còn cá loại xấu hơn chỉ còn 12.000-14.200 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá bình quân này liên tục bị phá vỡ và có dấu hiệu xấu hơn.
Về vùng nuôi cá tra công nghiệp thuộc xã Hòa Hưng, Cái Bè, tận mắt chứng kiến sự lo lắng của bà con nông dân trước tình hình giá cá tra sụt giảm, Chủ nhiệm HTX Hòa Hưng Lê Thanh Dung cho biết: HTX có 57 ao nuôi cá tra, với tổng diện tích mặt nước là 34,2 ha, sản lượng bình quân một vụ nuôi là 4.500 tấn. Hiện nay cá tra nguyên liệu còn tồn trong các hộ xã viên là 660 tấn (loại cá trên một kg), cá đến kỳ thu hoạch gần 500 tấn vẫn chưa bán được. Không doanh nghiệp nào chịu thu mua, mặc dù giá cá chỉ còn 13.500 đồng/kg. Tới đây các ao nuôi khác cũng bước vào giai đoạn thu hoạch, khả năng ứ đọng cá tra nguyên liệu như năm 2008 là rất lớn. Trong khi đó, giá thức ăn lại tăng từ 200 đồng đến 800 đồng/kg, nâng giá thành nuôi mỗi kg cá lên khoảng 14.600 đồng (đối với những mô hình nuôi tốt, đạt sản lượng). Nếu so sánh giữa giá bán hiện tại và giá thành, người nuôi lỗ gần một nghìn đồng/kg. "Dù chấp nhận mức lỗ như thế, nhưng tìm đầu ra cho cá tra nguyên liệu thời điểm này thật là khó"- Ông Nguyễn Văn Hào - hộ nuôi cá tra ở Hòa Hưng, Cái Bè, than thở. Hơn thế, giá cá tra nguyên liệu nuôi theo quy trình an toàn chất lượng sản phẩm và phương pháp nuôi thông thường vẫn không khác nhau nên không kích thích người nuôi. HTX Hòa Hưng đang nuôi cá tra theo tiêu chuẩn SQF 1.000CM và đã được cấp giấy chứng nhận nhưng tình hình tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. Ông Trần Văn Mười, xã Hòa Hưng, nói: Giá bán cá tra nuôi theo mô hình SQF và nuôi thông thường không có sự khác nhau khiến cho người nuôi gặp khó trong tiêu thụ.
Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, việc hạn chế thu mua cá của nông dân là do khách hàng châu Âu đang giảm sản lượng nhập khẩu bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và cạnh tranh của các loại cá khác. Và trong một, hai tháng tới giá cá cũng chưa có nhiều khả quan. Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương Lê Thị Phụng cho biết: Các nhà máy chế biến trực thuộc công ty đã giảm 30% công suất, hiện chỉ sản xuất khoảng 500 tấn cá tra nguyên liệu mỗi ngày; kim ngạch xuất khẩu của công ty cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008. Ðầu ra gặp khó, tất nhiên giá cá nguyên liệu đầu vào cũng sẽ giảm theo.
Theo các hộ nuôi cá tra thì hiện tại các công ty thu mua cá có quy định từ 0,55 kg đến 0,9 kg/con thay vì trước đây là 1,2 kg/con, nên khi không tiêu thụ được sẽ trở thành cá quá lứa rất nhanh. Mặt khác, trước mắt, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ tập trung giải quyết nguyên liệu mà chính họ đầu tư nuôi hoặc với các hợp đồng đã ký kết với người dân nuôi gia công. Ðiều này sẽ giải quyết được hai vấn đề cơ bản là chất lượng cá bảo đảm và giá thành nuôi được kiểm soát. Hai công ty lớn về xuất khẩu thủy sản trên địa bàn Tiền Giang là Hùng Vương và Gò Ðàng cũng đang thực hiện theo chiến lược này. Công ty Cổ phần Hùng Vương hiện chủ động được 70% lượng nguyên liệu sản xuất từ các mô hình nuôi và ký kết nuôi gia công nên từ đầu năm đến nay công ty hạn chế thu mua bên ngoài. Công ty Cổ phần Gò Ðàng cũng chủ động hơn 40% nguyên liệu sản xuất. Các doanh nghiệp cho rằng, các ao nuôi của các hộ dân hiện tại khó tiêu thụ một phần là do chất lượng không bảo đảm, một phần là do trọng lượng không đồng đều, không đạt độ màu. Ðó là lý do mà hầu hết các doanh nghiệp thường đưa ra khi thị trường có biến động. Trong khi đó người nuôi thường bị thua thiệt trước những bất lợi của thị trường, nhất là khi xuống giá.
Dấu hiệu lạc quan nhất đối với xuất khẩu thủy sản hiện nay là thị trường Nga được mở ra. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường này thời gian tới, đặc biệt vào những tháng cuối năm. Và đang lo lắng hơn cả là các ao nuôi cá tra ở Tiền Giang đang vào kỳ thu hoạch với số lượng lớn nếu không có giải pháp tiêu thụ giúp nông dân sẽ xảy ra tình trạng ứ đọng cá, dẫn đến người nuôi lỗ, thậm chí phá sản vì lượng cá quá lứa ngày càng nhiều hơn.