00:00 Số lượt truy cập: 3084558

Không dễ 

Được đăng : 03/11/2016
ĐBSCL đang kỳ vọng Đề án "Đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đến năm 2020" trên phạm vi cả nước, với tổng kinh phí lên đến 32.679 tỉ đồng, sẽ tạo bước đột phá trong việc dạy nghề cho LĐ nông thôn.

 

Thực tế, việc dạy nghề cho LĐ nông thôn ở ĐBSCL thời gian qua cho thấy: "Dạy cái gì, dạy như thế nào?" là vấn đề cần được đặt ra, phân tích, mổ xẻ thấu đáo trước khi triển khai thực hiện.

LĐ nông thôn không thích học nghề?

Nhiều nhà khoa học ở ĐBSCL nhận định: LĐ nông thôn vùng ĐBSCL chủ yếu làm theo kinh nghiệm, trình độ tay nghề và hàm lượng chất xám chưa cao. Vì vậy, sản phẩm làm ra nhìn chung chưa đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng không đáng kể.

Làm ăn dựa vào kinh nghiệm, lại thiếu kiến thức, thiếu thông tin... nên kiểu sản xuất theo phong trào liên tục diễn ra, cứ sản phẩm nào năm nay có giá thì năm sau ND ĐBSCL lại ồ ạt nuôi, trồng dẫn tới giá sụt; vậy là lại chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác. ND vẫn cứ loay hoay trên mảnh vườn, miếng ruộng, ao cá của mình!

Thế nhưng, thời gian qua, nhiều lớp dạy nghề tổ chức ở khu vực nông thôn lại khó thu hút được học viên. Mặc dù đi học được trợ cấp tiền ăn 10.000 đồng/ngày, song theo Phó Bí thư Quận đoàn Thốt Nốt (Cần Thơ) Huỳnh Thanh Nghị, vận động đối tượng học nghề rất khó.

Có lớp chỉ 30 học viên, nhưng ngày khai giảng phải dời đi dời lại nhiều lần do không đủ học viên theo học. Lãnh đạo LĐTBXH TP.Cần Thơ cũng cho rằng, việc nắm bắt nhu cầu học nghề của NLĐ để định hướng quy hoạch dạy nghề chưa được các địa phương quan tâm đúng mức...

Dạy cái gì, dạy như thế nào?

Phải chăng ND ĐBSCL không thích học nghề? Có thể nói, việc mở lớp dạy nghề cho LĐ nông thôn thời gian qua ở ĐBSCL chưa thật sự cung cấp cho ND cái họ cần để nâng cao hiệu quả sản xuất, học xong không dễ tạo việc làm nên chưa thu hút ND học nghề.

Sở dĩ 17 ND Khmer ở Trà Vinh "hợp đồng mướn kỹ sư" chuyển kỹ thuật vì trước đó, qua mô hình trồng màu được tổ chức Oxfam tài trợ, những ND Khmer này đã thấy được hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật do các kỹ sư ở Trường Đại học Trà Vinh hướng dẫn.

Điều đó cho thấy, nếu khảo sát kỹ, biết ND cần gì, qua đó chọn nghề dạy phù hợp, gắn với hiệu quả sản xuất của họ thì ND sẽ tham gia học nghề. Hoạt động khuyến nông với các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ chuyển giao việc ứng dụng khoa học vào sản xuất cho ND được các địa phương khu vực ĐBSCL tổ chức khá đều đặn.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa định hướng rõ được việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất ngoài cây lúa truyền thống. Với ND, học cái gì vẫn là một câu hỏi!

Vì vậy, để thu hút ND tham gia các khóa đào tạo nghề, cần tính toán kỹ dạy cái gì, dạy như thế nào để ND tiếp thu được kiến thức, kỹ năng; và sử dụng chính kiến thức, kỹ năng đó để làm ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành thấp, tăng thu nhập.

Theo TS Nguyễn Văn Sảnh (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ), ND ĐBSCL sản xuất còn nhỏ lẻ do thiếu vốn, kiến thức và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; lại chưa có thói quen hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên việc đưa sản phẩm ra thị trường gặp khó khăn.

Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, khó khăn trong việc tìm "đầu ra" cho sản phẩm là một trong những nguyên nhân khống chế khả năng và ham muốn học nghề của ND. Phải làm thế nào để ND thoát khỏi tư tưởng tiểu nông, tự giác liên kết thành các nhóm theo mô hình tập đoàn, hợp tác xã, trang trại.

Sự phân công LĐ rõ ràng trong liên kết sản xuất đòi hỏi người ND phải có tay nghề để "tồn tại" trong môi trường làm ăn tập thể sẽ góp phần tạo "lực đẩy" để ND tìm tới các lớp học nghề...