00:00 Số lượt truy cập: 3193463

Không đi ngày nào..vẫn học được sàng khôn 

Được đăng : 03/11/2016
Bỏ ra 16 triệu vốn liếng của gia đình để khởi nghiệp trồng nấm bào ngư. Với nhiều thay đổi như chuyển từ trồng trên kệ sang trồng bằng giàn treo phôi nấm, rồi lại áp dụng tưới nước cho nấm dựa theo thời tiết, cuối cùng ông đã thành công. Cây nấm bào ngư đã đem lại cho ông 140 triệu đồng/năm chỉ trên 100 mét vuông trồng nấm. Ông là Nguyễn Văn Tuấn, ngụ tại phường 9, TP.Mĩ Tho, Tiền Giang.

Lựa chọn nấm bào ngư làm giàu

Những bịch phôi nấm bào ngư vào thời điểm năm 2007 có giá 1.700 đồng/bịch. Ông Tuấn tính, với giá bán khoảng 25.000 đồng, mỗi năm ông sẽ thu được khoảng 140 triệu đồng chỉ với diện tích 100m2 trồng nấm bào ngư. Thấy được giá trị kinh tế cao của nấm, Văn Tuấn đã bỏ ra 16 triệu đồng để mua 10.000 bịch phôi về trồng.

                                                      
                                                         Ông Tuấn lựa chọn trồng nấm bào ngư để làm giàu

Tuy nhiên, với bạn bè, bà con lối xóm, nếu chỉ có vậy mà ông Tuấn đã lựa chọn trồng nấm bao ngư thì quá vội vàng. Bởi vì bên cạnh thị trường, thì kỹ thuật trồng là yếu tố quan trọng không kém.

Và tất nhiên ông Tuấn là người hiểu rất rõ điều đó. Thực ra điều ông có thêm tự tin về quyết định trồng nấm bào ngư của mình, đó là ông đã đi học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi: “Sau khi mà nghiên cứu của các điểm nấm như trại nấm Dona của huyện Củ Chi và đi một số trại nấm trong Tp. Mỹ Tho, thì tui thấy cái mô hình trồng nấm nó có hiệu quả nên tôi quyết định trồng nấm bào ngư.”

“Người thầy” Internet

Một năm đầu tiên, ông Tuấn chọn trồng nấm trên kệ. Cách trồng này giúp ông tốn ít công chăm sóc và thu hoạch nấm dễ dàng. Tuy nhiên, năng suất trại nấm lại thấp. Số nấm ông thu hoạch được chỉ bằng 50% so với các trại nấm khác trong phường.

Ông cần phải tìm cách khắc phục. Và ông tìm đến  Internet . Mọi trang web, bài viết liên quan đến trồng nấm, đều được ông đọc rất kỹ càng. Ông tính, nhờ lên mạng học hỏi, mỗi tháng ông tiết kiệm được vài trăm nghìn đi tham quan trại nấm khác. “Đi thăm quan là một cách hay nhưng nó sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền của. Còn thông qua hệ thống  Internet thì giúp mình giảm bớt được chi phí, mà mình cập nhật được thông tin các cái mô hình trồng nấm ở trong và ngoài tỉnh. Hầu như là các cái mô hình hay, thì từ đó mình rút kinh nghiệm cho bản thân mình.”

                                                        
                                                    Ông Tuấn truy cập Internet học hỏi kỹ thuật trồng nấm

Và sau khi đúc rút kinh nghiệm từ các mô hình ở khắp nơi trên mạng và so sánh thực tế với trại nấm của mình, ông Tuấn đã tìm được ra cách riêng cho mình. Đó là thiết kế giàn treo nấm bằng dây nilon.

Tốn một tháng cùng vài chục nghìn bỏ kệ để làm giàn, nhưng đổi lại các bịch phôi nấm đã lên tơi nhiều hơn. Năng suất nấm vì vậy cũng đạt đến 70%. “Mặc dù tốn công lao động nhiều hơn nhưng khi treo dây nilon lên thì nấm thoáng hơn, tơi lên đều và như thế, năng suất sẽ cao hơn”-Ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, 70% là con số mà ông vẫn chưa hài lòng. Ông nghĩ kỹ thuật trồng nấm vẫn bị mắc ở khâu nào đó. Và  Internet lại là “người thầy” mà ông tìm đến. Qua đó, ông biết được rằng năng suất chưa được cao là do kỹ thuật tưới nước của ông chưa được hợp lý.

Không làm theo thói quen tưới lượng nước cố định vào mỗi ngày nữa, ông Tuấn áp dụng cách tưới theo thời tiết. Khi thời tiết mát mẻ, mỗi ngày ông chỉ phải tưới 1-2 lần. Nhưng khi thời tiết oi bức, ông phải tăng cường tưới 4-5 lần. Không những thay đổi về thời gian và khối lượng nước tưới, ông còn thay đổi về dụng cụ tưới nước: “Sau này nghiên cứu lại thì tưới bằng cái vòi phun tay, mình điều tiết lượng nước được thì cái năng suất tăng lên khoảng 20-30%, so với cái lúc trước tưới bằng vòi phun tự động.” 

                                                            
                                                        Ông Tuấn sử dụng vòi phun tay tưới nước cho nấm                          

Và đến cuối năm 2008, cách tưới này đã mang lại hiệu quả. Năng suất trại nấm của ông đạt hơn 90%.

Nhờ biết sử dụng Internet vào quá trình sản xuất mà mô hình trồng nấm bào ngư của Văn Tuấn đã phát triển tới hơn 20.000 bịch phôi. Nhờ vào công nghệ, ông còn tìm được nhiều cơ hội làm ăn trong và ngoài tỉnh. Biết được hữu dụng của Internet với nghề trồng nấm của mình nên cho đến nay, thói quen lên mạng tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm của ông Tuấn vẫn không thay đổi.