Yên Bái là tỉnh có diện tích rộng lớn gần 13 ngàn ha, sản lượng búp thu hái hàng năm cũng đạt trên dưới 80 ngàn tấn. Buồn thay, bước vào niên vụ sản xuất kinh doanh chè 2009, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có chè để chế biến. Đã là chính vụ sản xuất, nhưng đến nay vẫn có khá nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy nằm bất động.
Tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất đã xảy ra liên tục trong nhiều năm nay, song năm 2009 có tiền, mua giá cao cũng không có nguyên liệu. Duy chỉ có một số doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định như; Công ty Cổ phần Chè Liên Sơn, Công ty Cổ phần Chè Trần Phú, Công ty Cổ phần Chè Nghĩa Lộ, Công ty Cổ phần chè Văn Hưng là vẫn có nguyên liệu cho sản xuất còn lại hầu hết là thu mua hai, ba ngày mới chạy máy một lần.
Hàng trăm công nhân ngành chè thiếu việc làm, cuộc sống rất khó khăn. Công ty TNHH chè Thảo Nhung với hai dây chuyền sản xuất chè đen và chè xanh khá hiện đại với vốn đầu tư hàng tỷ đồng nhưng từ đầu vụ đến nay mới chạy máy được 2 lần và nay nhà máy phải đóng cửa. Hàng chục công nhân phải nghỉ không lương đã hơn hai tháng nay.
Ông Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Công ty ngao ngán nói với chúng tôi: "Bằng giờ này năm ngoái nhà máy của tôi với gần 20 công nhân làm việc cật lực, máy chạy hết công suất mà vẫn không hết nguyên liệu. Nhưng năm nay không tài nào mua nổi nguyên liệu, mặc dù giá thu mua đã đẩy lên 2.600 đồng/kg, từ đầu vụ đến nay mới sản xuất được hơn 30 tấn giảm 80% so cùng kỳ. Nhà máy không hoạt động doanh nghiệp hết sức khó khăn. Năm nay nguồn vốn vay cho sản xuất chè không khó như mọi năm, nhất là nguồn vốn kích cầu của Chính phủ nhưng không có chè doanh nghiệp cũng chẳng dám vay". Tính hết tháng 5 toàn tỉnh mới sản xuất, thu mua được trên 20 ngàn tấn búp nguyên liệu giảm hàng ngàn tấm so với cùng kỳ.
Lý giải về tình trạng thiếu nguyên liệu nhiều nhà quản lý cho rằng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với thời tiết khắc nghiệt, mưa ít chè không sinh trưởng phát triển được. Bên cạnh đó giá thu mua nguyên liệu thấp, trong khi vật tư phân bón tăng cao người trồng chè không đầu tư dẫn đến không có búp. Những lý giải đó quả không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng! khí hậu, thời tiết tuy có khắc nghiệt, lượng mưa ít nhưng không ảnh hưởng lắm đến sự phát triển của cây chè.
Chè là một loại cây có sức sống khá mãnh liệt, hàng vạn cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng hàng trăm năm nay có ai chăm bón gì đâu nhưng vẫn ra búp đều đấy thôi. Một minh chứng rõ nhất là vùng chè kinh doanh của các doanh nghiệp búp vẫn ra tua tủa, năng suất, sản lượng không hề giảm.
Những diện tích chè không ra búp, cằn cỗi sản lượng giảm chủ yếu là ở trong dân. Cái chính là người dân không hề chăm bón, làm cỏ cho chè, trong thu hái không đúng phẩm cấp dẫn đến chè chột không lên được. Có rất nhiều hộ làm chè vẫn có tư duy sản xuất manh mún, cách nghĩ, cách làm chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn "chặt trồng".
Với giá thu mua 2.600-2.800 đồng như hiện nay tuy có thấp nhưng nếu người làm chè biết đầu tư nâng cao năng suất thì vẫn có thể sống được bằng chè. Thửi hỏi những người trồng chè đã có ai bón phân vô cơ cho chè trong nhiều năm qua hay thỉnh thoảng thì vãi vài cân đạm thúc cho ra búp thu hái xong lại thôi! Cách làm ăn ấy, hành xử với chè như vậy lại cứ muốn chè cho năng suất là điều không thể. Đến nay vẫn chưa ai thống kê chính xác là có bao nhiêu diện tích chè bị bỏ hoang nhưng con số này cũng hàng trăm ha!
Qua thực tiễn và nghiên cứu của nhiều chuyên gia nông nghiệp, nhà kinh tế đều khẳng định chè là một loại cây đến giờ chưa có cây gì thay thế được trong nông nghiệp-nông dân Yên Bái. Nhiều người tính chặt chè để trồng rừng là một sai lầm lớn, trồng rừng kinh tế xuất đầu tư không lớn bằng chè nhưng chu kỳ khai thác dài ít cũng phải 6 năm, rừng tốt mới cho thu trên dưới 30 triệu đồng/ha.
Như vậy mỗi năm trồng rừng người dân chỉ thu được 5 triệu đồng, trong khi nương chè đã có, chỉ cần đầu tư, thâm cach tốt năng suất đạt không dưới 7 tấn/ha cũng cho thu 20 triệu đồng. Bên cạch đó chè là một loại thực phẩm không thể thiếu đối với phần lớn dân số trên thế giới do vậy không bao giờ sợ mất thị trường, còn giá lên, giá xuống đó là quy luật của thị trường.
Từ những yếu tố đó người dân không nên bỏ chè và quay lưng lại với chè, chè không chỉ là "người bạn thân thiết" gắn bó từ vài chục năm nay mà chè đã nuôi sống hàng vạn hộ làm chè. Ai đã nỡ bỏ chè, xin đừng làm chè đau, hãy quay lại đầu tư, chăm sóc cho chè, dẫu rằng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh và vốn đầu tư.
Thật may, từ tháng 5/2009, nông dân được vay vốn ưu đãi 100% lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg, ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ để đầu tư máy móc, vật tư phân bón...Người trồng chè cũng như người dân sản xuất nông-lâm nghiệp hãy đến các ngân hàng làm thủ tục vay nguồn vốn ưu đãi này để đầu tư phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Bên cạch đó hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết thu mua hết nguyên liệu và đẩy giá thu mua lên cao hơn nhưng đòi hỏi phải thu hái đúng phẩm cấp.
Trong lúc này, doanh nghiệp-nông dân hãy bắt tay và cùng nhau vượt qua khó khăn này, đừng vì một chút khó khăn trở ngại mà quay lưng lại với chè. Thị trường tiêu thụ chè đã và đang tốt dần lên, "hết mưa, trời lại sáng" là quy luật vạn thủa.