00:00 Số lượt truy cập: 2999904

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM: Hạt nhân chuyển dịch sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016

Một năm sau khi, Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại huyện Củ Chi, TPHCM đi vào hoạt động, đã có 14 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn hơn 452 tỷ đồng (gần 8 tỷ đồng/ha), phủ kín toàn bộ diện tích đất cho thuê là 56,8ha trong tổng số 88,17ha đất.


Dẫn dắt và lan tỏa công nghệ

Giám đốc Ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM Trần Phước Dũng cho biết, chức năng và nhiệm vụ Khu NNCNC không như các khu công nghiệp, nhà đầu tư vào để sản xuất, tạo ra sản phẩm. Ở Khu NNCNC, nhà đầu tư còn có nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho người dân bên ngoài. Chính những dự án đầu tư với công nghệ cao (CNC) mang lại hiệu quả kinh tế là mô hình tốt cho các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, hộ dân học tập và áp dụng.

Để làm được điều này, nhà đầu tư tập huấn, đào tạo bà con ứng dụng CNC vào sản xuất, từ đó ký hợp đồng gia công để bà con sản xuất, tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn ngoài Khu NNCNC. Sự lan tỏa công nghệ, tạo thành vùng sản xuất ứng dụng CNC cho TP và các tỉnh xung quanh, nâng cao trình độ trong sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng CNC là điều Khu NNCNC nhắm đến. Theo ông Trần Phước Dũng, Khu NNCNC tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi dành cho trồng trọt, theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị, trong đó, ứng dụng CNC trong nhân giống và sản xuất lan, hoa các loại, cây kiểng; bên cạnh đó là nhân giống và sản xuất giống rau các loại... Khu NNCNC dẫn dắt, tạo điều kiện để bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập người dân.

Khu sản xuất giống cây của Công ty cổ phần Đầu tư Nhiệt đới trong Khu NNCNC TPHCM. Ảnh: Đ.C.P.

Hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư Nhiệt Đới nghiên cứu và lai tạo các giống rau ăn lá, ăn quả và Công ty TNHH Nông nghiệp Chánh Phong sản xuất giống, chủ yếu ớt F1 đã và đang từng bước tập huấn cũng như chuyển giao dần CNC trồng các giống rau cho người dân Củ Chi và một số tỉnh. Từ những mô hình sản xuất ứng dụng CNC và hiệu quả kinh tế mang lại, Ban Quản lý Khu NNCNC đang xúc tiến việc mở rộng tại khu đất 61ha tại xã Phạm Văn Cội huyện Củ Chi, khu đất 84ha tại Hào Võ (Cần Giờ) chuyên về thủy sản nước lợ, và khu đất 100ha tại huyện Bình Chánh chuyên về chăn nuôi gia cầm, nhằm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TPHCM, góp phần phát triển việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp mà TPHCM là đầu tàu cho cả khu vực.

Không để nhà đầu tư gặp rủi ro

Tuy nhiên, hiện nay nhà đầu tư gặp không ít khó khăn. Theo ông Trần Phước Dũng, trong 12 nhà đầu tư có cấp giấy chứng nhận, 11 nhà đầu tư được cấp quyết định cho thuê đất, nhưng đến nay chỉ có 1 nhà đầu tư ký hợp đồng thuê đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vấn đề thủ tục kéo dài làm không ít nhà đầu tư bỏ cuộc.

Hiện nay đã có 7 nhà đầu tư đang triển khai dự án gồm Công ty cổ phần Đầu tư  Nhiệt Đới (hơn 90 tỷ đồng và hơn 20 ha), Công ty TNHH Rau sạch Việt Thụy Phát, Công ty TNHH Chánh Phong, Công ty TNHH Nấm Trang Sinh, Công ty TNHH Việt Quốc Thịnh, Công ty CP Sinh học Trường Xuân, Công ty TNHH Cuộc Sống Tốt Lành. Như vậy có nghĩa 7 nhà đầu tư triển khai dự án chấp nhập rủi ro trước khi hoàn tất thủ tục cần thiết (giấy chứng nhận đầu tư, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt). Riêng 5 nhà đầu tư còn lại chờ hoàn tất thủ tục làm cơ sở giải ngân phần tín dụng theo cam kết vay ban đầu để khởi công, từ đó dùng nguồn vốn vay ngân hàng để triển khai dự án.

Ban quản lý đề nghị không nên coi những dự án này là dạng dự án đầu tư có điều kiện như an ninh quốc phòng, ngành nghề nhạy cảm… mà xem lĩnh vực này là đặc biệt kêu gọi đầu tư theo Luật CNC và được hưởng chính sách ưu đãi. Ban quản lý sẽ rà soát về công nghệ trước khi đồng ý và chịu trách nhiệm hậu kiểm, như việc triển khai dự án, nếu quá 12 tháng nhà đầu tư không triển khai sẽ bị thu hồi đất. Rút ngắn thời gian đo vẽ bản đồ lần 1 và 2. Sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho nhà đầu tư. Để thu hút đầu tư, phải có chính sách ưu đãi tương thích. Ban quản lý đề nghị TP nâng cấp Khu NNCNC TP lên cấp quốc gia để được chính sách theo Luật Công nghệ cao và Quyết định 176/QĐ-TTg của Thủ tướng về đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí khẳng định, CNC là giải pháp hàng đầu cho nền nông nghiệp đô thị. Ban quản lý cần tính toán việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực. TP sẽ xem xét nhằm tháo gỡ và hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng CNC và hợp tác với các tỉnh phía Nam. TP sẽ đẩy nhanh tốc độ và tập trung đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP (quận 12) và Trung tâm Triển lãm sản phẩm nông nghiệp (huyện Củ Chi), tạo sự đồng bộ, liên kết và thị trường trong việc hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp tại TP và các tỉnh có điều kiện cùng phát triển.