Nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chọn công nghiệp làm hướng phát triển để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, là động lực để phát triển nông nghiệp, đổi mới nông thôn. Thế nhưng, những gì đang diễn ra tại các khu công nghiệp (KCN) ở lại hoàn toàn khác.
Những khu công nghiệp "ế" Tính tới thời điểm này, các tỉnh, thành phố của ĐBSCL có 120 khu, cụm công nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 4 khu, cụm công nghiệp được lấp đầy. Hiện tại, phần lớn các khu, cụm công nghiệp chỉ mới sử dụng khoảng 36 - 40% diện tích đất, có những nơi mới chỉ sử dụng khoảng 5% diện tích. Sở dĩ có tình trạng này là do các địa phương khi quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp đã không nghiên cứu đầy đủ về mặt chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn, mỗi nơi phát triển một cách mà không có sự liên kết toàn vùng, dẫn đến sự cạnh tranh không cần thiết. Tại TP.Cần Thơ, hiện còn hàng trăm hecta đất tốt ven sông Hậu ở KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, 2B đang trong tình trạng "đắp chiếu" vì chủ đầu tư chưa giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng. Người dân ven sông Hậu đoạn qua TP.Cần Thơ còn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch KCN Ô Môn, Bắc Ô Môn, Thốt Nốt với tổng diện tích 1.600ha. Tại Đồng Tháp, trong khi KCN Trần Quốc Toản (TP. Cao Lãnh) còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh này lại tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích lên 2.730ha. Tại Hậu Giang, dù có lợi thế về vận tải thủy nhưng 2 KCN Sông Hậu và Tân Phú Thạnh (400ha) vẫn trong tình trạng đìu hiu, hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang, ngoại trừ Công ty cổ phần Thủy - hải sản Minh Phú đang xây dựng nhà máy chế biến thủy sản trên diện tích 56,4ha. Dù vậy, tỉnh này vẫn tiếp tục mở rộng KCN Sông Hậu giai đoạn II thêm 540ha… TS.Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ cảnh báo: "Thực tế cho thấy, đất đai tại các KCN ở ĐBSCL đang lãng phí vì bỏ hoang hoặc bị nhà đầu tư "xí phần" rồi để đó. Hiệu quả thu hút đầu tư cũng rất thấp, ít dự án đầu tư nước ngoài và thiếu các dự án có chiều sâu về chế biến lương thực, thực phẩm". Lấy đất lúa lập KCN Đất đai ở ĐBSCL vốn được sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết đất nông nghiệp có vị trí đẹp đều trở thành nơi quy hoạch khu, cụm công nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt hộ nông dân bị mất đất. Theo một khảo sát mới đây của VCCI Cần Thơ, ĐBSCL đang lãng phí đất rất lớn trong các KCN với diện tích lên đến 17.600ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Đáng chú ý là hàng ngàn hecta đất cặp sông Tiền, sông Hậu được các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học đánh giá là rất tốt, cần được bảo vệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang bị khoác lên chiếc áo KCN. Tại Vĩnh Long, tỉnh muốn lấy đất lúa để quy hoạch làm KCN nên sẵn sàng "trình" Thủ tướng Chính phủ rằng, vùng đất này trồng lúa năng suất rất thấp. Để có điều kiện đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tỉnh Vĩnh Long quy hoạch thêm 5 KCN mới ở Long Hồ, Bình Tân, Bình Minh và Mang Thít, với tổng diện tích 1.930ha. Trong đó, có khoảng 1.000ha là đất đang sản xuất lúa năng suất từ 6-7 tấn/ha, thậm chí có nơi 8 tấn/ha. Long An có lẽ là "điểm nóng" nhất tại các tỉnh ĐBSCL trong việc lấy đất lúa làm KCN. Bởi sau hơn 10 năm tập trung phát triển công nghiệp, tỉnh đã thành lập 64 KCN, với 15.467ha đất bị thu hồi, trong này phần lớn là đất nông nghiệp Các nhà quy hoạch ở ĐBSCL suy nghĩ khá đơn giản: Những khu đất có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi, nằm gần khu dân cư, đổi việc trồng lúa, trồng cây ăn trái bằng việc xây dựng nhà máy sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Vấn đề đáng nói là hiệu quả từ các KCN này mang lại chưa cao, trong khi việc thu hồi đất đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục ngàn hộ dân nơi đây. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, khi triển khai dự án lập các KCN, chính quyền và doanh nghiệp chỉ nghĩ đến việc đền bù tiền cho dân là xong, còn chi tiêu ra sao, cuộc sống thay đổi thế nào thì hình như không ai để ý tới. Muốn giữ vững danh hiệu "vựa lúa", ĐBSCL cần có chính sách giữ đất lúa quyết liệt hơn. |