Bất cứ ai đến chợ đều nhận thấy một điều đặc biệt mà ở các chợ miền Bắc ít bắt gặp, đó là hình ảnh những nhà sáng chế nông dân, những anh Hai Lúa chính gốc chào bán những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy cày đất, máy xục bùn, máy chế biến thức ăn cho cá, do chính mình nghiên cứu và thiết kế…Với đặc thù của vùng sông nước đất đai mầu mỡ, cây trái, lúa gạo, tôm cá là thế mạnh của vùng ĐBSCL Vì vậy, mà những thiết bị công nghệ điều kiện cần thiết vô cùng cần thiết với người nông dân. Cũng vì thế mà phong trào thiết kế chế tạo các thiết bị sản xuất nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ. Chiếm 1/3 chợ thiết bị công nghệ An Giang là các thiết bị công nghệ của các xưởng cơ khí, công ty cơ khí… hoàn toàn do người nông dân làm chủ. Hàng loạt các xưởng cơ khí có tên tuổi không bỏ lỡ cơ hội chào bán thiết bị công nghệ, Cơ khí Hai Văn, Cơ khí Hùng Tráng, Cơ khí Sáu Nghĩa, Cơ khí Việt Phát, Cơ khí Tân Thắng…Các xưởng cơ khí của nhà nông đã liên kết chặt chẽ, tạo một sức mạnh về chất mà ngay các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu chưa chắc đã cạnh trạnh nổi các sản phẩm bình dân này.
Ít ai có thể nghĩ rằng người nông dân có thể bỏ ra hàng 100 triệu đồng để mua một chiếc máy gặt đập liên hợp. Nhưng chỉ sau 4 ngày tham gia chợ, máy gặt đập của xưởng cơ khí Tám Nghĩa đã ký kết được 4 hợp đồng, với giá thành lên đến hơn 125 triệu một chiếc máy. Những chiếc máy gặt đập liên hợp đã được hàng chục xưởng cơ khí nghiên cứu và thiết kế chế tạo, cạnh tranh với nhau bằng chất lượng sản phẩm và giá thành, trong đó máy gặt đập của xưởng Sáu Nghĩa đã có phần nổi trội hơn. Nếu như những chiếc máy gặt đập liên hợp thông thường không thể cắt được cây lúa đã bị đổ thì máy của Sáu Nghĩa có thể cắt được lúa ở bất cứ tư thế nào. Điểm đặc biệt của máy gặt đập là tiết kiệm tối đa nhiên liệu và số lượng hao hụt thóc khi vận hành chỉ khoảng 0,5%, trong khi đó máy nhập ngoại là 20%. Chính vì những ưu điểm này mà những chiếc máy của xưởng cơ khí Sáu Nghĩa đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhà nông.
Các nhà sáng chế bình dân đã vô cùng tự tin và phấn khởi khi Việt Nam đã chính gia nhập WTO. Họ có niềm tin vào sáng chế của mình bởi trước đây đã từng có các thiết bị, máy móc nhập ngoại, chẳng hạn máy gặt đập liên hợp đã vào thị trường của vùng ĐBSCL nhưng không có chỗ đứng vì không phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con nông dân, chỉ có những anh Hai lúa, những người nông dân trực tiếp hiểu và từng bước sáng tạo, cải tiến những nông cụ sản xuất mới đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của bà con nông dân. Đồng thời, Hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chính là điều kiện tốt để các nhà sáng chế bình dân có thể học hỏi nâng cao trình độ công nghệ.
Có thể nói, chợ thiết bị công nghệ đã tạo lập một thị trường khoa học công nghệ cho vùng ĐBSCL. Các sáng chế bình dân có cơ hội so tài, người nông dân có sự so sánh và chọn các thiết bị công nghệ hoàn chỉnh nhất để hiện đại hoá điều kiện sản xuất. Qua chợ lần này, nhiều người cũng tự đặt câu hỏi, tại sao có nhiều gian hàng với những thiết bị vô cùng đồ sộ, nhưng gần như chẳng thu hút được sự quan tâm của người nông dân. Những gian hàng này thường là những thiết bị công nghệ của các chương trình KHCN cấp Nhà nước. Vậy phải chăng những thiết bị cồng kềnh và sáng bóng đó chưa đi đúng hướng, chưa đáp ứng đúng nhu cầu hết sức cụ thể mà người nông dân về vựa lúa, cây trái và thuỷ sản đang cần. Thực tế trên gợi cho những người trong cuộc một sự suy ngẫm về vấn đề đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu khoa học liệu có quá lãng phí?