Đánh giá những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2006 – 2010), ông Tám nhấn mạnh, tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến động bất lợi của thị trường nhưng ngành nông nghiệp nước ta vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Kết quả cho thấy, tỷ trọng GDP của ngành nông nghiệp so với GDP cả nước đạt 62,54% - 70,18%, vượt mục tiêu đến năm 2010 là 64%; tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2009 vẫn được dự báo là đạt 3,5%...
“Mặc dù thời gian còn quá ngắn để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế nhưng gần 3 năm sau khi nước ta gia nhập WTO“,khả năng hội nhập của ngành nông nghiệp được coi là thành công. Chỉ số độ mở kinh tế ngành tăng từ 56,7% năm 2006 lên 80% năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu tăng với tốc độ 24%/năm, tổng kim ngạch đạt 16.475 triệu USD vào năm 2008, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010 trên 52%. Thị trường xuất khẩu mở rộng, nhiều mặt hàng có thị phần lớn và chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới như điều, tiêu, lúa gạo, càphê, thuỷ sản... Năm 2008, có 5 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là gạo, càphê, cao su, hải sản, đồ gỗ (năm 2005 chỉ có 3 mặt hàng là gạo, thuỷ sản và đồ gỗ)”, ông Tám nói.
Không chỉ trên lĩnh vực xuất khẩu, ngay trong sản xuất, quy mô thương mại nông – lâm - thuỷ sản ngày càng mở rộng cả về thị trường và ngành hàng, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, trung bình giai đoạn 2006 – 2008 xuất siêu đạt 2,6 tỷ USD/năm. Nông nghiệp vững vàng vượt qua khủng hoảng.
Nhận xét về những kết quả mà ngành nông nghiệp nước ta đạt được thời gian qua, bà Gratiela Andreea Tiron, Trưởng bộ phận thông tin – truyền thông và xúc tiến (Ban quản lý Chương trình Quốc gia về phát triển nông thôn giai đoạn 2007 – 2013) cho biết, không giống như các nước có nền sản xuất hiện đại với những nông trại rộng lớn, Việt Nam vẫn đang sản xuất theo lối nhỏ lẻ, manh mún nhưng vẫn thành công, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. “Việt Nam có nền nông nghiệp chủ thể nhỏ nhưng đang được hiện đại hoá, tạo nên nền kinh tế nông thôn đa dạng, năng động, tiên tiến về kỹ thuật và mang tính cạnh tranh quốc tế. Sự thay đổi trong nông nghiệp được dẫn dắt bởi những tập quán lành mạnh về sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, các nguyên tắc công bằng xã hội và sự tham gia sâu rộng của khối tư nhân”, bà Gratiela nhận xét.
Tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 7%/năm
Phát huy những thắng lợi mà ngành đạt được, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đưa ra các mục tiêu phát triển cho ngành giai đoạn 2011 – 2015. Đây cũng là giai đoạn được coi là khởi đầu để triển khai Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau 2 năm chuẩn bị và nghiên cứu các chính sách, đề án. Theo đó, mục tiêu tổng thể của kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) là “đạt được tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn, nhất là người nghèo; bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường”. Các mục tiêu này được cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu, con số như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành là 3,3 – 3,5%/năm; tỷ trọng GDP của ngành so với GDP chung của cả nước đạt 16%; tỷ lệ vốn đầu tư vào nông - lâm - thuỷ sản trong tổng GDP ngành là 13%...
Đáng quan tâm nhất trong các mục tiêu này là xúc tiến thương mại. Với khả năng cũng như lợi thế về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự định kim ngạch xuất khẩu nông - lâm sản đến năm 2015 là 21 tỷ USD, trong đó nông sản dự kiến 9,5 tỷ USD, thuỷ sản 7 tỷ USD, đồ gỗ và lâm sản 4,5 tỷ USD... Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này là 6,5 - 7%/năm.
Bên cạnh đó, để giảm khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, đồng bằng và trung du miền núi, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xây dựng quy hoạch nông thôn, cộng đồng dân cư gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững môi trường, xã hội. Phấn đấu 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành...
Tuy nhiên, để hiện thực hoá được các mục tiêu trên, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. TS. Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, với chính sách mở cửa và hội nhập, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động hơn từ những diễn biến bên ngoài. Cùng với đó, quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ dẫn đến tính cạnh tranh càng quyết liệt. Các cam kết hội nhập kinh tế giữa Việt Nam với các tổ chức kinh tế, các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục được thực hiện. Việc cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan đối với các mặt hàng nông sản và vật tư nông nghiệp sẽ phải hoàn tất vào giai đoạn 2011- 2015 đưa đến nhiều thách thức, trong đó đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà. Đó là chưa kể tới hàng loạt các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu như biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh; diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn cao