00:00 Số lượt truy cập: 3080068

Khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long cần đa dạng hình thức nuôi 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Trung tâm Thông tin - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: trước tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài cộng với việc thiếu nước mặn nên số diện tích nuôi tôm bị thiệt hại cứ tăng dần theo mỗi ngày. Các chuyên gia ngành Thủy sản khuyến cáo, các hộ nuôi ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần mở rộng hình thức nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, tăng cường thức ăn tự nhiên, tạo màu trong nước nhằm không làm ô nhiễm môi trường.

Với hình thức nuôi trên, các hộ nuôi không thả tôm giống mật độ dày mà áp dụng như mô hình tôm lúa (2 - 3 con/m2/vụ), mở rộng mô hình nuôi tôm cộng đồng như theo tổ, nhóm nuôi cùng thả một loại tôm giống trong cùng thời điểm, vệ sinh ao nuôi, thống nhất cách phòng trị, duy trì mực nước trong ruộng tôm từ 0,5 m trở lên cho tôm khỏi sốc vì nắng hạn. Các biện pháp này ít gây ô nhiễm nước, hạn chế tình trạng tôm nhiễm bệnh, chi phí nuôi thấp nhưng cho năng suất ổn định.

Bên cạnh đó, các địa phương hoàn thiện thêm một bước hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản, tăng cường kiểm soát chất thải, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; siết chặt việc quản lý, kiểm soát con giống, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đưa tôm giống kém chất lượng vào nuôi, tăng cường phổ biến đến nông dân kỹ thuật nuôi theo phương pháp khoa học.

Thời tiết không thuận lợi cũng đã khiến cho một số vùng nuôi cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL những ngày qua đang đối mặt với tình trạng khó khăn do nắng nóng gây ra. Nắng nóng gay gắt khiến nước trong ao nuôi bốc hơi nhanh, nhiệt độ nước biến động theo chiều hướng bất lợi. Nước ao bị bẩn nhanh do phần thừa của thức ăn bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cá tra. Trước thực trạng đó, nhiều hộ nuôi phải đối phó bằng cách thường xuyên bơm, xả bảo đảm đủ nước sạch, mát để cá tra không bị bệnh. Tuy nhiên, điều này cũng khó thực hiện lâu dài vì hầu hết các vùng nuôi lấy nguồn nước từ các kênh rạch. Trong khi đó, vào những ngày này nhiều con kênh cũng kiệt nước do hạn hán.

Năm nay, các tỉnh ven biển ĐBSCL đưa 570.000 ha mặt nước vào nuôi tôm sú, chiếm 81% diện tích nuôi thủy sản tại ĐBSCL. Hiện nay, diện tích nuôi tôm có mức độ thiệt hại từ 20 - 80%, nhiều nhất tại các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang. Nguyên nhân do tiêu thoát nước thải tại nhiều vùng nuôi chưa tốt đã gây ô nhiễm môi trường cục bộ, con giống kém chất lượng, nhiễm bệnh, nắng nóng kéo dài, độ mặn một số nới tăng quá cao làm cho tôm bị sốc môi trường chế hàng loạt và nhiều vùng nuôi thiếu nước nghiêm trọng.