Tăng trưởng nông nghiệp của Hưng Yên năm 2009 cho đến thời điểm này gần như bằng không. Vì vậy mà Hưng Yên đã dồn toàn lực cho vụ đông, quyết cứu vãn lại một chút gì đó cho ngành nông nghiệp.
Theo GĐ Sở NN-PTNT Hưng Yên Đặng Minh Ngọc, nhiều năm qua, Hưng Yên luôn chỉ đạo quyết liệt và tích cực hỗ trợ nông dân trồng vụ đông, nhưng rốt cuộc, diện tích không những không tăng lên mà ngày một giảm đi. Vì sao vậy? Nhiều năm qua, riêng tiền hỗ trợ của ngân sách tỉnh cho vụ đông mỗi năm đạt từ 1-1,2 tỉ đồng; chỉ đạo thì quyết liệt đến mức đưa cả sản xuất vụ đông vào tiêu chí đánh giá là cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nhưng diện tích sản xuất vụ đông vẫn giảm, từ 24 ngàn ha xuống 20 ngàn, 18 ngàn, rồi 16 ngàn. Nguyên nhân không phải là hỗ trợ không đúng, không trúng mà là sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất vụ đông nói riêng giá trị ngày càng giảm sút. Một bộ phận lớn nhân lực ở nông thôn không mặn mà với nông nghiệp nữa mà chuyển sang nghề phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn, lại "tiền tươi thóc thật", không có nhiều rủi ro như sản xuất nông nghiệp. Vì thế mà ở một số huyện phía bắc tỉnh có công nghiệp vào, diện tích vụ đông giảm trầm trọng. Nghị quyết TƯ7 về nông nghiệp - nông thôn - nông dân ra đời là một "chỗ dựa" để các địa phương bám vào, chỉ đạo quyết liệt hơn, đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp. Vụ đông năm nay chúng tôi đề xuất hỗ trợ gấp đôi so với năm ngoái. Năm 2010 sẽ gấp đôi năm nay. 5 năm sau sẽ gấp đôi 5 năm trước. Nghị quyết TƯ7 nói thế. - Cụ thể nông dân Hưng Yên sẽ được hưởng những khoản hỗ trợ nào từ ngân sách tỉnh thưa ông? - Nếu tính đầu mục hỗ trợ thì nông dân được hỗ trợ 9 khoản. Để đạt được 1.400 ha đậu tương tỉnh sẽ hỗ trợ 800 ngàn đồng/ha và hỗ trợ 100% thuốc BVTV sinh học phun cho đậu tương. Với các giống ngô năng suất cao hỗ trợ 1,1 triệu đồng/ha. Riêng ngô nếp hỗ trợ 1,4 triệu đồng/ha, ngô ngọt hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Khoai tây hỗ trợ 4 triệu đồng/ha. Lạc hỗ tợ 2,5 triệu đồng/ha. Rau an toàn hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Những cây vụ đông khác như cà rốt, dưa chuột bao tử đã có chỗ đứng ở Hưng Yên và có thị trường tiêu thụ ổn định, chúng tôi đang xem xét tiếp tục kiến nghị tỉnh hỗ trợ bằng ngân sách để tạo thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn. Vì đây là những cây có giá trị rất cao. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ cước vận chuyển tiêu thụ thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm 500 ngàn đồng/tấn. Hỗ trợ tập huấn kĩ thuật cho nông dân, hội nghị đầu bờ. Hỗ trợ kinh phí chứng nhận vùng sản xuất an toàn, vùng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt tỉnh sẽ khen thưởng bằng tiền mặt đối với những tập thể, cá nhân sản xuất lớn, tăng diện tích so với kế hoạch đề ra. Ngoài tỉnh, các huyện, xã cũng có chính sách hỗ trợ riêng. - Nghe các đầu mục hỗ trợ đó, có vẻ như Hưng Yên đã nắm chắc một vụ đông thắng lợi? - Dù Hưng Yên đã hình thành nên một số vùng sản xuất vụ đông hàng hóa, nhưng thắng hay không thắng phụ thuộc nhiều vào thị trường, mà khâu kết nối giữa sản xuất và thị trường của Hưng Yên lại chưa tốt vì vậy chưa thể khẳng định 100% là thắng lợi được. Chỉ có điều, nông dân, nông nghiệp trong một hai năm gần đây đầy biến động và khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nông dân giảm niềm tin vào sản xuất nông nghiệp vì giá lúa và giá sản phẩm chăn nuôi đều thấp trong khi giá đầu vào cao, nhà nước cần phải có chính sách kích cầu, kích thích phát triển trở lại, kích càng nhiều càng tốt. Nếu vụ đông này mà nông dân thắng lớn, thì chắc chắn nông nghiệp sẽ tăng trưởng trở lại vào vụ xuân và vụ đông năm tới. Tôi đi từ xã lên đến tỉnh ở Hải Dương và Hưng Yên, ở đâu tôi cũng thấy sự quyết tâm cho một vụ đông thắng lợi. - Ông có nghĩ rằng, chỉ có tỉnh, huyện, xã quyết tâm thôi là chưa đủ? - Ở Hưng Yên, từ xã trở lên, chỗ nào dư giả ngân sách là đều hỗ trợ nông dân làm vụ đông hết. Nhưng tôi cho rằng, rất cần có các chính sách kích thích sản xuất của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, về phía địa phương, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ NN-PTNT cần đề xuất với Chính phủ chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông, để vụ đông ở ĐBSH thực sự là vụ làm giàu, vụ chính như người nông dân nói. Chính phủ bây giờ đang thực hiện chủ trương kích cầu, ở ĐBSH nếu kích cầu mạnh cho sản xuất thì ưu tiên nhất là kích cầu đối với sản xuất vụ đông. Tôi cho rằng, việc Chính phủ thực hiện kích cầu cho vụ đông này là hết sức có ý nghĩa. Về đường hướng, nên hỗ trợ một số tiền nhất định cho 1 ha sản xuất vụ đông. Việc hỗ trợ cụ thể như thế nào thì nên để địa phương cụ thể hóa trên cơ sở định hướng của Bộ NN-PTNT. Không nên làm theo cách của năm ngoái là tỉnh nào cũng được hỗ trợ mua hạt giống rau, đến lúc rau đổ bỏ không hết. Bộ NN-PTNT, địa phương phải chỉ đạo hết sức linh hoạt, nắm chắc diện tích từng loại cây mà toan tính thị trường để cảnh báo cho nông dân. |