CNCN của Hoa Kỳ có quy mô rất lớn và tập trung vào một số ít công ty (81% bò sữa, 73% cừu, 60% lợn và 50% gà của toàn Hoa Kỳ được sản xuất chỉ từ 4 công ty của nước này). Riêng về chăn nuôi lợn, số lượng những công ty sản xuất 50 nghìn lợn đã tăng từ 7% năm 1988 lên 37% vào năm 1997. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thường chăn nuôi kết hợp cả 3 loại lợn trong một trại là lợn nái, lợn cai sữa sớm và lợn thịt. Các trại này thường có nhà máy thức ăn và đội xe vận tải riêng; một số ít trại khác còn đảm nhiệm cả phần sản xuất giống và giết mổ.
Các nhà máy giết mổ và chế biến cũng tăng quy mô. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thì bốn nhà máy giết mổ hàng đầu của Hoa Kỳ năm 1980 đảm nhiệm 34% tổng sản lượng lợn giết mổ, nhưng đến năm 1997 bốn nhà máy này đã đảm nhiệm tới 50% tổng sản lượng lợn giết mổ toàn liên bang. Số lượng nhà máy giết mổ 1 triệu lợn/năm ở năm 1976 chỉ chiếm 28% thì năm 1994 đã tăng lên 87%. Hiện nay 10 công ty lớn nhất Hoa Kỳ đã kiểm soát trên 80% sản lượng lợn giết mổ của toàn liên bang.
Ở nước ta cũng đã xuất hiện những trang trại kiểu này. Ví dụ ở Bình Dương có hai ba trại lợn với quy mô trên 10 ngàn lợn, trong đó có 1.000-2.000 lợn nái, ở Nghệ An có trại lợn với quy mô 35-40 nghìn lợn, trong đó có 3.000 lợn nái và trại bò sữa với quy mô 6.000-7.000 con.
Ngày nay thế giới đã nhận thấy CNCN quy mô lớn đã tiềm ẩn những nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay tại New York của Hoa Kỳ, một trại bò sữa 5.000 con đã gây một tai nạn môi trường vào ngày 10/8/2005 khi hồ chứa phân của trại bị vỡ, 3 triệu gallon phân (khoảng 12.000 m3) đã tràn vào dòng nước của Sông Đen (Black River) với chiều dài 32km và làm chết 375 nghìn con cá. Trại bò này đã bị phạt 2,2 triệu USD.
Ở nước ta, những trại lớn cũng đã thấy xuất hiện những tai nạn môi trường. Một số làng nghề chuyên chế biến nông sản và chăn nuôi lợn của Hà Nội, tuy mỗi hộ chỉ nuôi 20-30 con lợn nhưng có tới 60-70% các hộ trong làng đều nuôi lợn thì quy mô trở nên rất lớn và không ngoa khi nói rằng các làng nghề kiểu này đã gây “thảm họa” cho môi trường sống của cả làng.
CNCN là dạng chăn nuôi chuyên môn hóa, năng suất cao, dạng chăn nuôi này so với chăn nuôi truyền thống không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất tính đa dạng của động vật nuôi. CNCN quy mô lớn càng đẩy nhanh tốc độ đồng dạng hóa về mặt di truyền và làm tăng sự phụ thuộc của các công ty chăn nuôi ở trong nước vào một số tập đoàn cung cấp con giống của nước ngoài (riêng về gia cầm, 4 tập đoàn lớn trên thế giới là Erich Wesjohan, Hendric Genetics, Freres Grimaud, Mosanto đã cung cấp gần như toàn bộ con giống cho toàn thế giới).
Đúng như vậy, hiện nay các trại lợn công nghiệp theo quy mô vừa hay lớn ở nước ta hầu như chỉ nuôi các giống ngoại thuần như Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain; các trại gà chỉ sử dụng con giống ngoại như Ross, ISA, AA… Chăn nuôi công nghiệp càng phát triển thì chăn nuôi truyền thống càng thu hẹp và các nguồn gen quý càng giảm về số lượng và mất dần (số lượng một số giống bản địa như lợn ỷ, lợn trắng Phú Khánh, gà ri, gà Hồ… hầu như chỉ còn rất ít).
Vấn đề đặt ra là có nên phát triển và cổ vũ cho CNCN quy mô lớn?Các nước có nền chăn nuôi tiên tiến ở châu Âu không khuyến khích chăn nuôi quy mô lớn. Xin nêu hai trường hợp điển hình về chăn nuôi lợn của thế giới, đó là Hà Lan và Đan Mạch.
Hà Lan
Quy mô chăn nuôi lợn của Hà Lan khá nhỏ và chủ yếu là sản xuất theo hộ gia đình. Theo thống kê năm 1988 (dẫn theo Marvin L. Hayenga, 2000) Hà Lan có hơn 1,5 triệu lợn nái nuôi trong 8.300 trại, số trại có quy mô dưới 200 con chiếm 65%, còn lại là các trại nuôi trên 200 con. Rất hiếm có trại chăn nuôi lớn (số trại quy mô 800 lợn nái chỉ chiếm 8% và số trại quy mô 10 nghìn lợn thịt chỉ chiếm có 2%).
Hà Lan có quy mô chăn nuôi nhỏ nhưng công nghệ chăn nuôi rất tiến tiến, năng suất sản xuất rất cao (lợn cai sữa/nái/năm: 22 con; tiêu tốn 2,65-2,75 kg thức ăn/kg tăng trọng; tỷ lệ nạc thân thịt từ 53,2% năm 1990 tăng lên 55,6% năm 1996). Chăn nuôi lợn công nghiệp của Hà Lan không theo hướng mở rộng quy mô vì Hà Lan có luật quản lý phân chăn nuôi khá chặt chẽ.
Theo luật này các trại phải kê khai sản lượng phân và sự phân phối lượng phân này. Nếu lượng phân mà đàn gia súc thải ra vượt quá số lượng đã sử dụng để bón cho đất hay bán cho nơi khác theo những hợp đồng dài hạn thì chủ trang trại phải nộp một số tiền phạt tính theo lượng phân vượt quá (theo Bộ Nông nghiệp, Quản lý Thiên nhiên và Nghề cá của Hà Lan thì năm 1993 sản lượng phân của khu vực chăn nuôi lợn chiếm 34% tổng lượng phân của cả nước và có tới 58% lượng phân dư thừa không được sử dụng).
Luật môi trường Hà Lan ngày càng chặt chẽ đã khiến cho các nhà chăn nuôi muốn mở rộng quy mô phải mua quyền sản xuất phân (còn gọi là quota phân) của những nhà chăn nuôi khác mà đã giảm quy mô hay ngừng sản xuất hoặc vận chuyển chất thải đi nơi khác. Cả hai biện pháp trên đều phải chịu chi phí khá cao.
Đan Mạch
Đan Mạch có tổng đàn lợn là 26 triệu con (dân số Đan Mạch chỉ bằng 1/17 so với dân số Việt Nam). Đan Mạch là nước xuất khẩu lợn hàng đầu trên thế giới, 75% sản lượng lợn sản xuất trong nước được xuất khẩu. Theo luật môi trường của Đan Mạch thì quy mô chăn nuôi lợn của một trại phải cân bằng với diện tích đất cần có để sử dụng hết lượng phân của trại đó.
Ngưỡng cân bằng được luật pháp Đan Mạch quy định là 1,7 đơn vị chăn nuôi/ha đất (1 đơn vị chăn nuôi được định nghĩa là một trại lợn có 3 lợn nái cùng lợn con và 30 lợn thịt). Nếu số lượng lợn lớn hơn diện tích cần có thì chủ trại phải tìm cách đưa phân của lợn thải ra sang các trại khác. Như vậy ở Đan Mạch để phát triển chăn nuôi quy mô lớn cần phải có đủ đất để tiêu thụ phân, điều này đã giúp cho Đan Mạch bảo vệ được môi trường khi phát triển chăn nuôi.
Từ kinh nghiệm của Hà Lan và Đan Mạch, chúng ta cũng không nên khuyến khích và cổ vũ cho CNCN quy mô lớn. Biện pháp quản lý cũng cần thay đổi, không thể chỉ quản lý các chỉ tiêu vệ sinh của nguồn nước thải mà cần quản lý diện tích đất có khả năng sử dụng nguồn phân thải ra. Tất nhiên chúng ta không thể lấy chỉ tiêu 1,7 đơn vị chăn nuôi/ha đất như của Đan Mạch vì chúng ta ít đất, nhưng để kiểm soát sự ô nhiễm môi trường không thể không kiểm soát diện tích đất có khả năng sử dụng nguồn phân của chăn nuôi thải ra.
Kiểm soát diện tích đất có khả năng sử dụng nguồn phân của chăn nuôi thải ra là kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ đầu vào. Nếu chỉ kiểm soát các chỉ tiêu vệ sinh của nước thải chăn nuôi như hiện nay thì mới chỉ là kiểm soát đầu ra. Cần phải kiểm soát sự ô nhiễm môi trường chăn nuôi cả đầu vào và đầu ra.
Ngoài ra cũng cần có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các hệ thống rất độc đáo của nước ta, đó là các hệ thống VAC (vườn - ao - chuồng), AC (ao - chuồng) hay VC (vườn - chuồng). Ở hệ thống chăn nuôi không có ao hay vườn một số chỉ tiêu vệ sinh nước mặt và nước ngầm xung quanh khu vực chăn nuôi cao hơn của hệ thống VAC tới 3-8 lần. Ở hệ thống VAC, AC hay VC nếu có làm biogas thì việc kiểm soát sự ô nhiễm nguồn nước còn tốt hơn.