00:00 Số lượt truy cập: 2994024

Kiểm soát ô nhiễm chăn nuôi 

Được đăng : 03/11/2016
Đan Mạch là một trong những nước công nghiệp ở châu Âu có nghề chăn nuôi lợn phát triển mạnh. Số đầu lợn lên tới 26 triệu con, trong khi đó diện tích đất nông nghiệp chỉ bằng 1/3 diện tích đất của nước ta (2.676.000 ha) và dân số chỉ gần gấp đôi dân số của tỉnh Thanh Hoá (5,5 triệu).

Đan Mạch là nước xuất khẩu thịt lợn đứng đầu thế giới, 85% lợn sản xuất được xuất khẩu. Đan Mạch có nhiều giống lợn nổi tiếng được nhiều nước trên thế giới nhập về nuôi như Landrace, Duroc, Yorkshire… Năng suất sản xuất luôn được cải tiến, tiến bộ di truyền của 3 giống Duroc, Landrace và Large White được đánh giá trong 4 năm (từ 2004 đến 2007) cho thấy: tăng trọng bình quân của lợn nuôi thịt từ 30-100 kg tăng 5,9g/ngày, hệ số chuyển đổi thức ăn giảm 0,013 đơn vị/năm, tỷ lệ nạc tăng 0,03%/năm.

Một số số liệu về năng suất sản xuất của đàn lợn được Tổ chức Chăn nuôi Lợn Đan Mạch báo cáo như sau (theo Danish Pig Production, Annual Report 2007):

Lợn nái: Số lượng lợn con/nái/năm: 24,9 con. Số lứa đẻ/năm/nái: 2,23 lứa. Số lượng lợn cai sữa/ổ: 11,6 con. Khối lượng cai sữa: 7,3 kg.

Lợn thịt: Lợn thịt xuất chuồng cân nặng 81,5 kg. Tăng trọng bình quân: 873 g/ngày. Tỷ lệ nạc thân thịt: 60,3%. Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng: 2,87 kg thức ăn.

Chi phí để sản xuất 1 kg thịt xẻ chỉ có 9,5 krone (tương đương 1,39 USD), chi phí này thấp hơn so với Pháp, Thuỵ Điển, Irland, Đức, Áo, Anh và Ý, trong đó chi phí cho thức ăn chỉ chiếm 49,5%.

Song song với việc cải tiến di truyền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến về dinh dưỡng thức ăn, về vệ sinh an toàn thực phẩm, về chuồng nuôi và về quản lý, Đan Mạch rất chú ý đến việc kiểm soát ô nhiễm chăn nuôi.

Quản lý môi trường chăn nuôi của Đan Mạch tập trung vào 2 nhóm vấn đề, một là luật pháp và hai là kỹ thuật. Về luật pháp, Đan Mạch nhắm vào việc kiểm soát lượng nitơ (N) và photpho (P) thải vào môi trường đất và nước, kiểm soát lượng khí ammonia (NH3) và mùi hôi thải phát vào không khí của các cơ sở chăn nuôi.

Để kiểm soát lượng N và P của chất thải thải vào môi trường đất và nước, Đan Mạch quy định số lượng lợn nuôi phải phù hợp với diện tích đất canh tác, đó là 1,4 đơn vị lợn cho 1 hectare (1 đơn vị lợn viết tắt là 1 AU là số lượng lợn sản xuất một lượng phân chứa 100 kg nitơ, con số này tương đương 4,6 lợn nái cùng với đàn lợn con nuôi đến 7 kg hay 36 con lợn thịt từ 30-100kg).

Đan Mạch gọi diện tích đất để sử dụng hết nguồn phân thải ra là diện tích đất hài hoà (harmony area). Ngoài ra, Đan Mạch còn quy định thêm: nếu chủ trại nuôi tới 120 AU thì phải là chủ sở hữu thực sự của 25% diện tích đất hài hoà, nuôi từ 120-250 AU thì phải là chủ sở hữu thực sự của 60% đất hài hoà và nuôi trên 250 AU thì phải là chủ sở hữu thực sự của toàn bộ diện tich đất hài hoà (theo Poul Pedersen, 2003).

Ngoài ra, Đan Mạch cũng buộc chủ trang trại nuôi lợn phải có kế hoạch phân bón hàng năm, trong kế hoạch phân bón này chủ trang trại phải tận dụng nguồn phân chuồng và hạn chế dùng phân hoá học (phân đạm hoá học không được quá 10% tổng lượng nitơ yêu cầu bón cho cây trồng). Nhờ quy định này mà việc sử dụng phân đạm hóa học của Đan Mạch đã giảm đi một nửa trong vòng 20 năm (từ 400 ngàn tấn năm 1985 giảm xuống còn 200 ngàn tấn năm 2005).

Để mùi hôi của trại lợn không gây khó chịu, phiền toái cho người dân, Đan Mạch quy định khoảng cách tối thiểu giữa trại lợn với nơi ở của dân. Tùy theo quy mô đàn lợn và vùng đô thị hay nông thôn, khoảng cách này nằm trong khoảng từ 625m đến 120m.

Về kỹ thuật xử lý chất thải, Đan Mạch tập trung vào các giải pháp xử lý phân và chất thải để giảm thiểu NH3 và mùi hôi thải phát. Kỹ thuật xử lý chất thải bằng axit sulfuric đậm đặc (trộn 5 kg axit sulfuric/tấn chất thải và bơm không khí nén vào khối chất thải) để đưa pH xuống 5,5 có tác dụng giảm thải phát NH3 (giảm 70-80%) cũng như khí H2S (một loại khí gây mùi hôi như trứng thối). Kỹ thuật này đã được công nghệ hoá và đã có 24 nhà máy axit hoá chất thải đang hoạt động trong các trại chăn nuôi lợn của Đan Mạch.

Ngoài ra còn có các kỹ thuật khác như tách chất thải rắn và lỏng bằng các tác nhân gây kết tủa, bằng ly tâm chắt gạn (tách được 60-80% P và 20-30% N trong chất thải). Công nghệ biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi cũng được Đan Mạch coi trọng. Theo công nghệ này, trước hết chất thải được thuỷ phân bằng kiềm ở nhiệt độ 160oC và pH khoảng 10, sau khi làm nguội đến 80oC thì cho lên men biogas. Điện sản xuất bằng biogas được chính phủ tài trợ, cứ 1kWh được tài trợ 0,6 krone.

Cùng với việc xử lý chất thải chăn nuôi thì Đan Mạch cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát thức ăn để giảm thiểu lượng N và P trong chất thải. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy hàm lượng protein trong khẩu phần lợn giảm được 2 đơn vị thì nitơ thải tiết giảm 20%. Để tăng trưởng của lợn không thay đổi khi giảm protein khẩu phần, người ta bổ sung axit amin công nghiệp để cân đối axit amin khẩu phần. Giảm hàm protein khẩu phần thì cũng giảm thiểu thải phát NH3 vào không khí, cứ giảm một đơn vị protein khẩu phần thì giảm 10% NH3 thải phát.

 Việc bổ sung muối axit như canxi benzoate, canxi sunphate... sẽ làm giảm pH nước tiểu, từ đó cũng làm giảm NH3 thải phát. pH nước tiểu giảm được 1,6-1,8 đơn vị thì giảm được 26-53% NH3 thải phát. Giảm thải phát NH3 không chỉ giảm nguy cơ gây bệnh đường hô hấp của gia súc, gia cầm trong chuồng nuôi mà còn giảm nguy cơ gây bệnh đường hô hấp và tim mạch cho người dân sống trong vùng chăn nuôi.

Chăn nuôi lợn của Đan Mạch là chăn nuôi công nghiệp, các biện pháp giống, thức ăn và quản lý được chuyên môn hoá và hiện đại hoá. Quản lý môi trường chăn nuôi luôn gắn chặt với quản lý kỹ thuật. Quản lý môi trường chăn nuôi toàn diện và chặt chẽ là yếu tố quyết định đưa nghề chăn nuôi lợn của Đan Mạch lên hàng đầu của thế giới.