Do giá gạo trong nước tăng cao, nhiều đối tượng đã sang Trung Quốc mua gạo này đưa về Việt Nam tiêu thụ kiếm lời.
Cụ thể, ngày 7/3, Đội Quản lý thị trường số 6 đã kiểm tra ôtô tải biển kiểm soát 24N-4202 của Công ty TNHH Hòa Hằng (phường Nam Cường, TP. Lào Cai), phát hiện trên xe vận chuyển 200 bao gạo tẻ trọng lượng từ 10-50 kg/bao, tổng cộng 9.750kg do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Tiếp đó, ngày 8/3, kiểm tra ôtô biển kiểm soát 89K-3946 do ông Vương Văn Thọ (trú tại thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) điều khiển, cũng phát hiện xe vận chuyển 160 bao gạo do Trung Quốc sản xuất (loại 75 kg/bao, tổng trọng lượng là 12.000kg) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái đã tịch thu toàn bộ số gạo nhập lậu trên, trị giá 122 triệu đồng, đồng thời xử phạt 2 chủ hàng tổng số 12,5 triệu đồng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam không cấm nhập khẩu gạo, nhưng gạo phải đảm bảo chất lượng khi được đưa vào nội địa. Nếu DN nhập gạo quá hạn dự trữ từ Trung Quốc làm thức ăn chăn nuôi thì không sao (khi đã đạt các tiêu chuẩn theo quy định), song, nếu nhập về bán làm lương thực cho người thì phải được kiểm tra, làm rõ. Do vậy, ông đã yêu cầu Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối, Vụ Kế hoạch kiểm tra ngay việc này.
Theo Bộ trưởng Phát, đến thời điểm này, có thể nói vụ đông xuân phía Nam thắng lợi, được mùa, được giá và bà con nông dân có lãi. Đến nay, các địa phương ĐBSCL đã thu hoạch trên một nửa diện tích, năng suất cao gấp 1,5-2 lần, sản lượng tăng 150.000-200.000 tấn so với vụ trước.
Các tỉnh phía Bắc cũng cơ bản cấy xong vụ đông xuân từ ngày 15/3, đạt 95% diện tích, cây lúa đang được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, việc gieo cấy năm nay chậm hơn mọi năm 15-20 ngày nên năng suất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Riêng tại miền núi vẫn đang tập trung gieo cấy vì thời vụ còn kéo dài đến 15/4.