Xin nêu vài việc đã diễn ra liên quan chuyện mua máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp:
Tỉnh Nghệ An có tỷ trọng kinh tế nông nghiệp chỉ ở mức trung bình, tuy nhiên nhờ quan tâm cơ giới hóa nông nghiệp và nông dân, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân khi vay vốn ngân hàng mua máy từ nhiều năm nay. Chính sách này gần giống Quyết định 497 được thực hiện bằng ngân sách địa phương, đã giúp nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đáng kể: Số máy bán theo chương trình hỗ trợ lãi suất của tỉnh trong giai đoạn 1999-2008 là 4.754 máy kéo, theo đó số máy bán ngoài chương trình (không hỗ trợ) cũng chừng đó. Từ đầu năm đến nay, số máy được bán theo chính sách trả chậm hỗ trợ lãi suất đã vượt hơn 400 máy, ngoài ra tỉnh còn hỗ trợ 20% giá cho nông dân mua 150 máy gặt đập liên hợp các loại.
Chương trình hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay mua máy nông nghiệp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã được tiến hành tại hơn 30 tỉnh, (tỉnh sớm nhất từ mười năm nay) với quy mô khác nhau, phụ thuộc vào ngân sách tỉnh và sự quan tâm vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp. Trong thời gian 1999-2008, theo hình thức trả góp, tỉnh hỗ trợ lãi suất, trên toàn quốc, số máy nông nghiệp các loại đã tiêu thụ được là 12.735 chiếc và 4.140 máy nuôi tôm. Ðiều này đồng nghĩa với khoản tín dụng khoảng 250 tỷ đồng đã được đưa đến tay người nông dân. Quan trọng hơn, người nông dân được hỗ trợ mua máy đều sử dụng có hiệu quả, trả nợ đúng hạn, không có trường hợp nào không trả được nợ.
Công ty Máy kéo và máy nông nghiệp, thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) năm 2008 sản xuất và bán ra thị truờng hơn 3.000 máy kéo các loại, thế nhưng chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, số lượng máy kéo được sản xuất và bán tương đương con số năm 2008, dự kiến cả năm nay sẽ sản xuất và tiêu thụ hơn 7.000 máy. Một kế hoạch đưa sản lượng lên mười nghìn máy/năm đang được hoạch định. Ðây cũng là điều kiện cần để công ty có khả năng nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Cơ giới hóa nông nghiệp - nhu cầu thiết yếu của người nông dân
Nếu như khoảng 20 đến 30 năm trước, chúng ta nói về cơ giới hóa nông nghiệp, ý nghĩa lớn và bao trùm là giải phóng người nông dân khỏi cảnh lao động cực nhọc thì hôm nay, cơ giới hóa nông nghiệp đã trở thành một yêu cầu bức thiết mang tính công nghệ của sản xuất nông nghiệp, nhằm bảo đảm kết quả của cả quá trình. Trong bối cảnh mức độ thâm canh trong nông nghiệp ngày một cao, lao động từ nông thôn dịch chuyển ra thành phố và các khu công nghiệp ngày một nhiều, tạo nên sự thiếu hụt lao động ở nông thôn, thì cơ giới hóa là nhu cầu thiết yếu và tất yếu. Vậy tại sao việc thực hiện cơ giới hóa lại diễn ra không như đòi hỏi? Theo chúng tôi, vấn đề cơ bản là người nông dân thiếu vốn trong khi tài sản chính là đất đai quy mô lại nhỏ hẹp. Người nông dân biết nếu có máy sẽ tốt hơn, nhưng họ không dám vay vì sợ không trả được vốn và lãi. Sự hỗ trợ lãi suất là nguồn động viên họ quyết tâm làm thử, người này làm được, khích lệ người kia, những người có điều kiện sẽ tự mua không cần hỗ trợ vốn và như vậy sức mua máy sẽ được tăng lên.
Quan sát thị trường máy nông nghiệp trên toàn quốc sẽ thấy sự khác nhau, tiêu biểu nhất là nhu cầu và sức mua. Nếu như nông dân các tỉnh phía bắc phần lớn chỉ có thể mua máy giá thấp, thậm chí chấp nhận mua các loại máy nhập khẩu chất lượng thấp,... để có cái dùng trước mắt, thì nông dân các tỉnh phía nam đòi hỏi máy có chất lượng cao, đẹp, dịch vụ hậu mãi tốt,... dù giá có cao hơn. Sự khác biệt này xuất phát từ thói quen tiêu dùng nhưng chủ yếu bà con phía nam có quy mô canh tác lớn hơn.
Việc sản xuất máy phục vụ nông nghiệp hiện nay tập trung vào Tổng công ty nhà nước duy nhất là VEAM, còn lại đa phần là lắp ráp đơn giản các chi tiết nhập khẩu từ Trung Quốc. Những chi tiết quan trọng nhất như thân hộp, bánh răng, trục... đều được VEAM chế tạo từ nguyên liệu thô, qua đầy đủ các công đoạn tạo phôi, gia công cắt gọt, nhiệt luyện, gia công tinh, lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng. Ðể làm một chiếc máy kéo hai bánh, các công nghệ giống như chế tạo một chiếc ô-tô đều đã được áp dụng. VEAM đang phải duy trì mức giá sản phẩm thấp phù hợp nhu cầu, khả năng tiêu thụ của nông dân trong nước. Nếu VEAM từ bỏ vai trò của mình, giá dòng máy "rẻ" sẽ không còn rẻ nữa. Thực tế đã từng xảy ra vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi VEAM không cạnh tranh nổi về giá ở thị trường trong nước, chuyển hướng xuất khẩu là chính và thu hẹp sản xuất. Lúc này, VEAM vẫn phải dùng lợi nhuận của mảng có lãi nhiều hơn để đầu tư công nghệ, thiết bị dùng chung cho cả hai mảng vì công nghệ tương đồng. Trên cơ sở đó, tiếp tục mở rộng và phát triển mảng sản xuất máy nông nghiệp. Ðây cũng là lý do cả khối tư nhân lẫn đầu tư nước ngoài "đồng ý" để VEAM "độc quyền" sản xuất loại máy này ở Việt Nam.
Một vài kiến nghị
Có thể nói, Quyết định 497 của Chính phủ rất nhiều người được hưởng lợi. Trước hết là nông dân và sản xuất nông nghiệp, sau đó đến các ngân hàng cho vay và cuối cùng là nhà chế tạo máy nông nghiệp và cũng là ngành chế tạo máy móc cơ khí. Khó khăn lớn nhất mà VEAM gặp phải lâu nay là sức mua yếu của thị trường trong nước. Trong khi đó, tăng sản lượng lại là một yếu tố quan trọng để hạ giá thành sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất. Mặc dù Quyết định 497 mới được ban hành, nhưng nhờ sự quan tâm của các địa phương nên sáu tháng đầu năm 2009, Công ty Chế tạo máy kéo của VEAM đã sản xuất và bán được số máy nông nghiệp bằng cả năm 2008. Ðây là tiền đề để VEAM đầu tư, tăng trưởng và tổ chức lại sản xuất. Nông dân, nông nghiệp và nông thôn đang được Ðảng và Nhà nước dành sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt. Nhưng Quyết định 497 lại sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Theo chúng tôi Chính phủ cần có một "quyết định 497" riêng cho nông dân với thời hạn dài hơn. Vào năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) cũng đã từng có đề nghị như vậy. Hỗ trợ thực hiện cơ giới hóa còn nhắm trúng cái đích không kém phần quan trọng là tạo điều kiện cho ngành chế tạo máy nông nghiệp phát triển.