00:00 Số lượt truy cập: 3042807

Kinh doanh... trùn quế 

Được đăng : 03/11/2016

Bỏ việc làm có thu nhập cao, một người dân ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) quyết định về quê thành lập doanh nghiệp nuôi trùn quế. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, doanh nghiệp này còn chuyển giao kỹ thuật nuôi trùn cho nhiều nông dân trong vùng, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.


Năm 2006, ông Đinh Thông, Chủ DNTN Thiên Phát (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) quyết định khởi nghiệp kinh doanh từ 10 tấn sinh khối trùn quế giống trị giá 250 triệu đồng mua từ Củ Chi (TP Hồ Chí Minh).

Với kinh nghiệm từng làm nhân viên của một công ty nước ngoài chuyên mua bán thức ăn thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Đinh Thông nhận ra rằng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản đều có thành phần trùn quế. Ông kể: “Hồi đó, đi đâu cũng nghe người ta hỏi mua trùn quế, bao nhiêu cũng mua. Người mua thì nhiều mà người bán lại rất ít. Sau khi tìm hiểu kỹ tôi thấy khí hậu Phú Yên phù hợp để nuôi trùn quế phát triển nên quyết định bỏ công việc đang làm, tập trung vốn liếng đầu tư nuôi”.

Với mô hình chăn nuôi khép kín: Trồng cỏ voi để nuôi bò, dùng phân bò nuôi trùn quế. Ngoài ra, ông Thông còn đầu tư xây dựng một xưởng sản xuất phân bón từ trùn quế và một khu đất nuôi gà thả vườn. Ông Thông cho biết: “Trùn quế mang lại nhiều lợi ích. Hầu như tất cả các loại vật nuôi đều sử dụng được thực phẩm từ trùn quế như các loại gia súc, gia cầm, thủy sản. Ngay cả thuốc chữa bệnh cho con người cũng có vị trùn quế. Phân trùn quế được dùng làm phân bón, đất sạch cho nhiều loại cây trồng. Ngoài ra, phân trùn quế còn được dùng để xử lý môi trường hồ nuôi tôm thay cho diatomite”.

Để mô hình nuôi trùn quế phát triển, năm 2007 DNTN Thiên Phát phối hợp với Sở Khoa hoc – Công nghệ Phú Yên thực hiện đề tài khoa học chuyển giao công nghệ nuôi trùn quế cho người dân. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn những hộ nông dân cách xây bể nuôi, cho ăn, ngăn chặn kiến phá trùn quế… Đề tài khoa học này thu hút 45 hộ dân tham gia nuôi. Thiên Phát bán giống ưu đãi cho nông dân với giá 8.500 đồng/kg sinh khối, rẻ hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường. Mỗi hộ dân tham gia được mua 300kg sinh khối, được hỗ trợ hơn 2,5 triệu đồng, trong đó DNTN Thiên Phát hỗ trợ 1,6 triệu đồng. Ông Thông cho biết, tất cả các sản phẩm từ trùn quế của nông đều được Thiên Phát mua lại. Trùn tươi 35.000 đồng/kg, phân trùn mua giá 700 đồng/kg, không hạn chế số lượng.

Tháng 6 tới đây, DNTN Thiên Phát sẽ tung ra thị trường sản phẩm “phân bón 5 sao trùn quế Thiên Phát”. Ông Thông nói: “Phân bón trùn quế dùng được cho tất cả các loại cây trồng, có hiệu quả cao. Bón phân vô cơ, nếu cây trồng “tiêu thụ” không hết sẽ bị phân hủy, trong khi đó bón phân trùn quế sẽ không bị phân hủy, cây trồng có thể từ từ “tiêu thụ” phân.

Không chỉ phân bón, từ trùn quế DNTN Thiên Phát đã phát triển chăn nuôi gà sạch bán cho các siêu thị. Từ năm 2006 đến nay DNTN Thiên phát cung cấp cho các siêu thị 6.000 con gà thả vườn/năm. Ông Thông tiết lộ, nuôi gà sạch bằng trùn quế là siêu lợi nhuận, mỗi con tôi lãi từ 30.000 – 40.000 đồng.

Nông dân “mê” trùn quế

Ông Trần Hoàng Huệ ở thôn Mỹ Hòa xã Hòa Thắng, nói tiếc: “Tui bán cho Thiên Phát mấy tấn phân trùn quế, giờ thấy tiếc”. Nguyên nhân là vụ lúa đông xuân vừa rồi, ông Huệ mạnh dạn thí điểm bón ruộng bằng phân trùn quế với 2 thửa. Thửa 1 sào, ông bón toàn bộ bằng phân trùn quế, thửa 2,5 sào ông bón cả phân trùn quế và phân vô cơ với tỉ lệ 50/50. Kết quả, 1 sào bón 300kg phân trùn quế, lúa không hề bị sâu bịnh, cây mập và đạt trên 400kg. Nhìn hạt lúa mà thấy đã, cứ mỗi bao cân nặng hơn lúa trước đây 5 – 10kg.

Chưa hết, sau 8 tháng nuôi 300 kg sinh khối trùn quế do Thiên Phát cung cấp, hiện lượng sinh khối trùn của hộ ông Huệ ước chừng 4 tấn với cách nuôi cho trùn ăn phân bò kết hợp với cám gạo. Với cách làm này, ông Huệ đã bán cho Thiên Phát 150kg trùn quế tươi. Ông Huệ cho biết thêm, sẽ nuôi cả heo, gà, vịt bằng trùn quế, bón phân cho lúa bằng phân trùn quế.

Ông Võ Kiểm ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng nuôi trùn quế bán cho DNTN Thiên Phát để có tiền chi tiêu trong gia đình. Ông Kiểm nói: “Nuôi trùn quế không quá khó, lại tiện cho nông dân có việc ngay tại nhà. Kẹt tiền, bắt vài kg trùn bán”.