00:00 Số lượt truy cập: 2670079

Kinh nghiệm phòng chống dịch cúm gia cầm của Thái Lan 

Được đăng : 03/11/2016
I. Khái quát chung


Cũng như Việt Nam, từ đầu năm 2003 đến nay, dịch cúm gia cầm đã bùng phát mạnh tại Thái Lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và công nghiệp chế biến gia cầm. Qua hai đợt dịch 2003- 2005, Thái Lan đã phải tiêu huỷ 60 triệu gia cầm, xuất khẩu giảm 20-30%, đặc biệt các sản phẩm bao gói đông lạnh như đùi, lườn (chưa nấu chín) không xuất được (nhưng Thái Lan đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất các sản phẩm nướng, rán, quay, xúc xích...). Tại thời điểm tháng 8/2005, dịch vẫn xuất hiện rải rác trên nhiều vùng và chủ yếu ở những đàn nuôi trong nông hộ), còn các trại ít bị dịch hơn do làm tốt các biện pháp an toàn sinh học.



Hiện nay, Thái Lan vẫn chưa hoàn toàn khống chế được dịch cúm mặc dù đã áp dụng rất nhiều biện pháp khoa học và quyết liệt. Tuy vậy, chúng ta có thể nghiên cứu để vận dụng vào công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở Việt Nam, nhất là các thể chế quản lý hành chính chỉ đạo phòng chống dịch cũng như các biện pháp xử lý kỹ thuật.


II. Thể chế, luật pháp, tổ chức ngành và các biện pháp phòng chống dịch


1. Ban hành pháp luật: Pháp luật của Nhà nước về quản lý ngành chăn nuôi thú y đã được Thái Lan ban hành từ năm 1951. Sau đó được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1978, 1999 và 2001. Trong đó có 6 đạo luật cơ bản như: Luật dịch bệnh động vật, Luật chăn nuôi động vật, Luật kiểm nghiệm động vật giết mổ và bán thịt v. v… Pháp luật là hành lang pháp lý cơ bản giúp Thái lan dễ dàng quản lý, tổ chức, giám sát và phát huy hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra. Tại Việt Nam, đến năm 2004 mới ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi và Pháp lệnh Thú y (mới) là quá chậm và mới chỉ là Pháp lệnh chứ chưa phải là Luật.


2. Tổ chức ngành chăn nuôi- thú y: Thái Lan tổ chức ngành chăn nuôi thủ y là một cơ quan thống nhất là Cục Phát triển chăn nuôi (DLD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. Cơ quan này được tổ chức theo ngành dọc từ Cục Phát triển chăn nuôi xuống đến các cấp tỉnh và huyện. Cục DLD quản lý cả về nhân sự và cung cấp tài chính, vật tư đến tất cả các cấp bên dưới. Các Viện nghiên cứu, các Trung tâm chán đoán đều do Cục quản lý. Cục có 12.990 cán bộ làm việc ở cơ quan chăn nuôi thú y của 75 tỉnh và 831 huyện; trong đó có 4.776 nhân viên chính thức, 2.763 nhân viên thuê dài hạn và 5.361 nhân viên thuê ngắn hạn. Ngoài ra còn có 31.797 người tình nguyện làm việc cho DLD trong các thôn làng. Có 69 trạm kiểm dịch và 9 trung tâm thú y vùng trên toàn quốc mô hình tổ chức theo ngành dọc này giúp quá trình chỉ đạo quản lý ngành từ trung ương đến địa phương được thống nhất, nhanh chóng và thông xuất. Đây là sự khác biệt cơ bản so với cơ cấu tổ chức tại Việt Nam hiện nay là ngành thú y và chăn nuôi có bốn cơ quan tách biệt. Cấp cơ sở lại do cấp tỉnh quản lý, thậm chi có tỉnh (Hải Dương): cơ quan chăn nuôi thú y cơ sở lại do UBND huyện quản lý. Điều này dẫn đến chỉ đạo điều hành khó khăn do phải phụ thuộc chính quyền địa phương. Nhiều tỉnh hiện nay còn chưa có phòng chăn nuôi. Con người, kinh phí hoạt động đều phụ thuộc vào chinh quyền của phương, ngành dọc dù nói là chỉ đạo chuyên môn nhưng nói chung là rất bị động.


3. Về cơ quan phòng chống dịch cúm: Nhà nước thành lập Uỷ ban phòng chống dịch cúm do Phó Thủ Tướng chính phủ đứng đầu và thành viên có 12 Bộ. Thành lập các "đội công tác" (team work), "lực lượng đặc nhiệm" (Task Force) là những lực lượng thường trực và chủ động phòng chống dịch. Đặc biệt, việc chống dịch cúm đã được "xã hội hoá": có khoảng 900 ngàn người làm việc tình nguyện về công tác thú y và y tế phòng chống dịch cúm. Cứ một người phụ trách theo dõi 10 hộ gia đình nhằm thống kê đàn gia cầm, theo dõi, phát hiện, báo cáo tình hình cho cán bộ xã, cán bộ thú y và tham gia xử lý dịch bệnh. Những người này được hưởng khoản "bồi dưỡng" nhỏ mỗi năm hai lần vào các dịp tiêm phòng nói chung, còn chủ yếu là họ tự nguyện. Việc tổ chức được đội ngũ những người tình nguyện này là rất thành công, nó giúp thiết lập được một hệ thống giám sát cảnh báo, thông tin cộng đồng chính xác và kịp thời cho cơ quan chức năng. Các mẫu báo cáo, thông tin về dịch cúm hàng tuần được thống nhất toàn quốc do Cục DLD ban hành.


4. Làm tốt công tác tuyên truyền: Thái Lan làm rất tốt công tác thông tin tuyên truyền: mọi người dân đều được hiểu sâu sắc tác hại kinh tế và ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng của dịch cúm, như vậy phải tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Thái Lan có Luật về kiểm soát sản phẩm trước và sau thu hoạch, như kiểm soát từ cây lúa ít được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học; thức ăn chăn nuôi không được có kháng sinh và chất kích thích sinh trưởng hóc môn)... nên ví dụ như gia cầm ốm bệnh không được bán chạy và như thế không làm lây lan phát tán mầm bệnh.


5. Quản lý tốt chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến: Chăn nuôi Thái Lan chủ yếu là trang trại nên dễ quản lý hơn, chăn nuôi gà bản địa hộ gia đình quy mô nhỏ quy định phải có chuồng trại, hàng rào ngăn cách, chăn nuôi vịt phải đăng ký với chính quyền và không được di chuyển quá 2 km (việc cấm chăn nuôi vịt thả rông đã ban hành từ sáu năm nay nhưng chưa được thực hiện triệt để). Thái Lan có tập quán chơi gà chọi, các điểm chọi gà phải đăng ký và quy định ở điểm cụ thể. Việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm bắt buộc phải có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y nơi xuất phát và nơi nhận hàng: khi giao hàng xong, phía nhận hàng phải báo lại cho cơ quan thú y nơi xuất phát mới là hoàn thành. Vận chuyển phải hoàn toàn dùng xe chuyển dùng. Không thấy có chợ buôn bán gia cầm sống (wet market) do tập quán người Thái lan quen sử dụng sản phẩm đã chế biến và do công tác quản lý, tuyên truyền.


Riêng đối với con vịt, do pháp luật của Thái Lan tôn trọng sở hữu tư nhân và tự do kinh doanh nên nhà nước không thể cấm nuôi vịt mà chỉ khuyến cáo người chăn nuôi hạn chế quy mô đàn và giới hạn phạm vi di chuyển.


- Các trại chăn nuôi được quy định sau mỗi lứa nuôi để trống chuồng 3 tuần. Trên thực tế các chủ trang trại thường để trống chuồng 4 tuần. Mục đích là giảm mật độ, giãn cách các lứa nuôi kế tiếp để tránh dịch. Các chủ trang trại được tập huấn về các biện pháp an toàn sinh học từ nguồn tài trợ của ngân sách nhà nước. Các đàn gia cầm được định kỳ kiểm tra huyết thanh và mẫu ổ nhớp (swab). Nếu chuồng bị dịch thì phải sau hai tháng đối với chuồng kín thông thoáng nhân tạo và 3 tháng với chuồng hở thông thoáng tự nhiên và phải được cán bộ thú y kiểm tra đủ điểu kiện an toàn sinh học mới được nuôi lứa tiếp theo.


- Khi có dịch, quan điểm là "phát hiện nhanh, khống chế nhanh, tiêu huỷ nhanh": tiêu huỷ ngay đàn bị dịch, theo dõi, kiểm tra mẫu ổ dịch, huyết thanh và phân lập virus trong bán kính 5km, cấm vận chuyển ra vào trong 1 tháng.


Các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn áp dụng công nghệ rất cao: điều khiển hoàn toàn băng máy tính từ khâu chọn lọc, xử lý nguyên liệu, chế biến thức ăn, điều khiển khẩu phần cho ăn, nhiệt độ, độ ẩm. thông gió, lượng khí độc, kiểm tra tăng trọng... Giết mổ chế biến là hoàn toàn tự động và áp dụng đến 5 loại tiêu chuẩn chất lượng như: GMP, HACCP, LSO 900 1 -2000, BRC, ACP và Cục DLD vẫn kiểm tra hàng tuần, hàng tháng.


6. Việc phối hợp với các cấp chính quyền và các ngành là rất tốt. Chính quyền cấp tỉnh, huyện và cơ quan y tế, hải quan cùng với lực lượng thú y phối hợp rất chặt chẽ, cùng với đội ngũ tình nguyện viên và ý thức cao của người dân làm cho công tác chống dịch rất có hiệu quả, nhất là tổn thất về người là rất ít. Cơ quan y tế và thú y là hai cơ quan thường trực phối hợp kiểm tra, chia sẻ thông tin, vật tư, tổ chức phòng chống dịch.


7. Chính sách đền bù và hỗ trợ: ban đầu Thái Lan cũng lúng túng trong việc đền bù và mức đền bù thấp cũng làm dịch bùng phát mạnh. Sau đó đã nâng mức đền bù thỏa đáng, giải ngân nhanh nên có tác dụng khuyến khích người dân khai báo bệnh dịch và kịp thời tiêu huỷ góp phần khống chế dịch bệnh. Hiện nay, mức đền bù được tính khoảng bằng 75% giá thị trường của gia cầm bị tiêu huỷ. Dưới đây là mức đền bù trong hai năm 2004 và 2005 tại tỉnh Chai Nạt:


Tính theo đơn vị: Bath/con-1 Bath bằng 400VNĐ


STT

Loại gia cầm

Năm 2004

Năm 2005

VNĐ năm 2005



1

Gà đẻ,vịt đẻ, ngỗng

40

100

40.000



2

Gà tây

40

250

100.000



3

Gà bản địa

40

50

20.000



4

Gà Broiler

20

25

10.000



5

Vịt thịt

20

60

24.000



6

Chim cút

5

10

4.000



7

Đà điểu

1.000

2.500

1.000.000




- Có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các trang trại nên một số hộ chăn nuôi vịt đã chuyển sang nghề khác. Điều này khác với Quyết định 396/2004/QĐ-TTg ngày 20/4/2004, Quyết định 574/2005/QĐ-TTg ngày 24/6/2005 và Quyết định 309/2005/QĐ-TTg ngày 26/1- 1/2005 của Chính phủ Việt Nam không có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, mặc dù đây là điều rất cần thiết, nhất là đối với người chăn nuôi trang trại và chăn nuôi vịt.


8. Thái Lan không sử dụng vắc xin cúm gia cầm. Họ cho rằng tiêm phòng rất khó quản lý, hiệu quả không cao và do yêu cầu xuất khẩu thịt gia cầm.


III. Một số vấn đề tồn tại


Cũng như Việt Nam, Thái Lan chưa hoàn toàn khống chế được dịch cúm, thậm chí tuy các phân tích trên cho thấy các biện pháp chăn nuôi, phòng chống dịch làm tốt hơn hẳn Việt Nam thì hiện nay thái Lan vẫn còn nguy cơ cao về dịch cúm gia cầm. Điều này có thể do mấy nguyên nhân sau:


- Các đàn gia cầm trong nông hộ chưa được quản lý, cách ly triệt để. Chăn nuôi vịt vẫn thả đồng tuy không còn được di chuyển xa nhưng vẫn khó kiểm soát, nhất là ở các vùng sâu vùng xa.


- Do bảo vệ môi trường tốt nên các đàn chim của Thái Lan rất nhiều, có thể là nguyên nhân quan trọng làm lây lan phát tán mầm bệnh.


- Trong quá trình hai năm bị dịch cúm, có thể nguồn virus bài xuất ra môi trường còn tồn tại rất nhiều, nhất là năm 2004, Thái Lan bị dịch cúm nặng nề.


- Việc kiểm soát di chuyển gia cầm ở các vùng biên giới là khó khăn.