00:00 Số lượt truy cập: 3193364

Kinh nghiệm trồng nếp năng suất cao 

Được đăng : 03/11/2016

Huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An thuộc Đồng Tháp Mười là vũng trũng, bị phèn rất nặng. Do bị phèn nặng nên ốc bươu vàng không thể phát triển được. Những vùng đất phèn quá nặng trồng lúa năng suất rất thấp nên nhà nông thường trồng tràm.

 


Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá tràm giảm mạnh trong khi giá lúa tăng. Việc trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và nhanh hơn, nên nhà nông có xu hướng chuyển sang trồng lúa. Trở ngại lớn nhất khi chuyển đổi sang cây lúa chính là đất bị phèn nặng. Anh Lê Phương Hùng, ấp Cái Tôm, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh là nông dân đã trăn trở tìm cách làm sao để hạn chế phèn để tăng năng suất lúa. Trước đây, do chưa có kinh nghiệm nên anh thường gặp khó khăn trong kỹ thuật trồng trọt nhất là cách bón phân, hạ phèn giúp lúa tốt, không bị đổ ngã khi thu hoạch. Như bao nhà nông khác, anh Hùng có tâm lý là chỉ bón phân kali khi lúa ở giai đoạn 40-42 ngày sau sạ và thường lạm dụng urê nên lúa hàng năm bị sâu bệnh nhiều và dễ bị đổ ngã, năng suất không cao. Kể từ vụ đông xuân 2002- 2003, anh đã mạnh dạn áp dụng thử qui trình trồng lúa do Công ty Bayer khuyến cáo. Kết quả bước đầu rất khả quan; thu nhập trên 1 ha ruộng khuyến cáo cao hơn so với tập quán khoảng 1 triệu đồng/ha trong khi rất dễ thực hiện vì có sẵn lịch bón phân và số lượng phân bón. Anh chỉ việc điều tiết lượng phân đạm theo bảng so màu lá tuỳ theo đất ruộng của mình. Từ đó trở đi anh đã áp dụng qui trình cho toàn bộ diện tích và chia sẻ kinh nghiệm với bà con xung quanh.

Vụ đông xuân vừa qua, anh mạnh dạn trồng 5 ha nếp giống IR4625. Năng suất đạt 8 tấn/ ha với giá bán 4.000đ/kg, anh thu nhập trên 20 triệu/ha.

Hạt giống trước khi sạ được xử lý bằng thuốc Gaucho 600FS. Anh Hùng nhận xét bón phân theo cách này giúp lúa phát triển cân đối, cứng cây và ít sâu bệnh. Điều anh tâm đắc là bón phân kali sớm giúp lúa có thân to, lá ngắn, rộng bản ít sâu bệnh và ít đổ ngã. Cách bón phân này hoàn toàn khác với tập quán của anh trước đây. Lúa khoảng 17 ngày là đã nở bụi mạnh.

Về thuốc bảo vệ thực vật, chỉ phun thuốc khi có sâu rầy phá hoại theo IPM. Riêng thuốc trừ bệnh, khi lúa 35-40 ngày anh phun Antracol 100WP để ngừa bệnh và bổ sung kẽm cho cây. Khi lúa trổ, anh phun 2 lần thuốc Folicur 250EW ngừa bệnh lem lép hạt. Nếp của anh hàng năm rất được thương lái ưa chuộng vì có chất lượng cao, đồng đều và màu sắc đẹp. Anh phấn khởi cho biết hiện tại, nơi đây có trên 120ha làm theo qui trình khuyến cáo như anh và đều đạt được lợi nhuận cao hơn tập quán. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa với bà con xung quanh.