Ở vùng đất nhiễm mặn, phèn như Gò Công Đông (Tiền Giang), việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Bà con chỉ biết trông chờ vào một vụ lúa năng suất bấp bênh.
Từ khi huyện triển khai dự án thủy lợi ngọt hóa, các ban ngành chức năng, trong đó có Hội Làm vườn, vận động hội viên, nông dân xây dựng mô hình kinh tế VAC, theo hướng hàng hóa, cuộc sống của bà con đã bắt đầu thay đổi.
Đất mặn hoá "vàng"
Có thể nói, dự án ngọt hoá vùng đất mặn Gò Công thực sự tạo ra “cuộc cách mạng” mới trên đồng ruộng, góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con. Khi những khó khăn về điều kiện đất đai được giải quyết, nhiều hộ có vốn, trình độ đã mạnh dạn mở rộng quy mô làm ăn theo mô hình kinh tế trang trại. Theo đó, những vùng đất chỉ trồng một vụ lúa trước đây, bà con chuyển sang trồng hai vụ lúa chất lượng cao. Hệ thống vườn tạp được cải tạo, đầu tư trồng cây ăn quả đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, sơ ri, táo, mãng cầu (na), sapôchê (hồng xiêm)... theo sự hướng dẫn của Hội Làm vườn.
Và cách làm này ngay lập tức cho hiệu quả rõ rệt, từ đó định hình hướng sản xuất mới cho nông dân Gò Công Đông. Thực tế cho thấy, mặc dù đất hẹp nhưng nếu biết cách tổ chức sản xuất, tận dụng tốt tiềm năng thì hiệu quả mang lại rất cao. Nhiều hộ chỉ có 1 - 2 công đất (1 công = 1.000m2) nhưng nhờ áp dụng mô hình VAC, đã có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Theo thống kê, đến nay Gò Công Đông đã xây dựng được 2.500ha cây ăn trái đặc sản, sản lượng 27.500 tấn; 5.500ha rau màu, sản lượng 88.000 tấn; hơn 1.000ha mặt nước nuôi thủy sản, mỗi năm thu hoạch trên 4.000 tấn thủy sản các loại. Nhiều nông sản của vùng đất mặn như: sơ ri, tôm càng xanh, tôm sú, lúa chất lượng cao... đang trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Cách làm bền vững
Theo điều tra của Hội Làm vườn huyện, Gò Công Đông hiện có 3.600 hộ làm kinh tế VAC theo hướng hàng hóa, trong đó có khoảng 150 hộ phát triển theo mô hình kinh tế trang trại. Thông qua cách làm này, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Cúc ở ấp Kinh Trên (xã Bình ân) thuộc diện hộ nghèo của xã. Mấy năm qua, nhờ trồng sơ ri xen cây màu kết hợp nuôi gà, vịt dưới tán cây nên gia đình chị đã có thu nhập ổn định, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, lo cho con cái ăn học. Đặc biệt, nhiều mô hình kinh tế VAC còn đạt được hiệu quả cao nhờ áp dụng cách làm mới. Điển hình như hộ ông Trần Thanh Long (ấp Nam, xã Tân Điền) với 3.600m2 vườn và ao, ông trồng sơ ri, nuôi bò, heo (lợn), cá, thu lãi hơn 80 triệu đồng. ông Trịnh Văn Chót (ấp Bà Lẫy 1, xã Tăng Hòa) với diện tích vườn và ao 3.000m2, 1,8ha ruộng, chăn nuôi heo nái và heo thịt, thu lãi hơn 100 triệu đồng. ông Bành Văn Hồng (ấp Xóm Dinh, xã Tân Đông) nhờ trồng rau màu, chăn nuôi gà, cá, thu lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn rất nhiều hộ, diện tích tuy nhỏ nhưng áp dụng mô hình VAC khép kín cũng đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Văn Bé, Phó chủ tịch UBND huyện đánh giá, nhờ triển khai, xây dựng mô hình VAC, các cấp HLV đã góp phần khai thác triệt để tiềm năng, giúp người dân sản xuất sản phẩm hàng hóa, tạo thành vòng quay khép kín, có lợi cho hệ sinh thái, giảm thiểu tác động của ô nhiễm cho môi trường. Thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy càng khép kín thì hiệu quả kinh tế càng cao, giá thành sản phẩm hạ và môi trường trong lành. Ngoài ra, mô hình lấy ngắn nuôi dài cũng sử dụng hữu hiệu thời gian lao động, giúp nông dân nghèo ổn định cuộc sống.
Cũng theo ông Bé, để mô hình đạt hiệu quả cao hơn nữa, các cấp Hội Làm vườn cần chủ động phối hợp với các ban ngành trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân giúp bà con áp dụng vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, hạn chế sự tác động của thị trường. Trong thời gian tới, huyện Hội có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn cho nông dân, hội viên nhằm tạo ra những vườn cây ăn trái chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; chuyển giao kỹ thuật trồng nghịch vụ các loại cây có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập và sức cạnh tranh, đưa Gò Công Đông trở thành miệt vườn văn minh, giàu đẹp.