Kon Tum: Mệt mỏi mía bệnh than!
Được đăng : 03/11/2016
Thành phố Kon Tum (Kon Tum) đã có 500 ha mía bị nhiễm bệnh than. “Cuộc chiến” với cây mía bệnh than đã được ngành bảo vệ thực vật đặt ra, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Nông dân mệt mỏi,chán nản vô cùng...
Không ít cuộc điều tra của ngành bảo vệ thực vật từ cấp thành phố, tỉnh và cả Trung ương về cây mía ở thành phố Kon Tum bị nhiễm bệnh than. Không ít lớp tập huấn cho nông dân tìm hiểu và xử lý cây mía bị nhiễm bệnh than. Ngành bảo vệ thực vật cũng đã đưa ra “chiến thuật” xử lý diện tích mía bị nhiễm bệnh than trên 50% số khóm trở lên bằng cách đào hết gốc, thu gom lại và đốt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bà con nông dân có diện tích mía bị nhiễm bệnh than nặng vẫn còn loay hoay vì xót của trong khi thành phố Kon Tum vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho người trồng mía...!
Anh Lê Văn Bằng - cán bộ Trạm BVTV thành phố Kon Tum người đã nhiều ngày nay bám đồng cùng với nông dân, cho biết: “Những ngày nắng hạn, cây mía bị nhiễm bệnh than thường dễ nhận biết bởi bụi mía bị bệnh thường khô vàng, thân cây không nở nang mà như cây cỏ tranh, lau lách. Trên cây mía bị bệnh nặng, lá đọt giống như chiếc roi, chứa đầy bào tử màu đen như những dải bồ hóng trên giàn bếp ở nông thôn. Nếu cầm tay bẻ đôi thì nhận thấy bên trong lóng mía bị thâm đen. Những cây mía bị ra roi đen này dần dần sẽ khô và chết. Trước đây khi chưa được tập huấn, bà con không biết tại sao cây mía bị còi cọc như thế và thường cho rằng đây là cây “mía đực”, “mía sả” và nhổ bỏ đi. Hóa ra không phải vậy”.
Những cơn mưa đầu mùa đã làm cho ruộng mía xanh lại, bà con đang bón phân và làm cỏ cho cây mía phát triển. Tại cánh đồng mía sau Trại Phong, xã Đoàn Kết, chúng tôi hỏi về cây mía bị bệnh than, ông Đỗ Luật đang làm cỏ và vun xới gốc cho mía, bực bội: “Chúng tôi mệt mỏi với cây mía bị bệnh này lắm rồi! Cây mía bị bệnh than như cây sả và nhiều cây đã chết khô đây này…! Mía bị bệnh hầu hết là ở diện tích mía lưu gốc. Giống mía bị bệnh là VD 81, Quế đường (giống Trung Quốc) do Công ty Cổ phần đường Kon Tum đầu tư giống. Nhà tôi làm 1,4 ha mía giống VD 81 đều bị nhiễm bệnh than. Hai năm đầu làm chủ yếu trả tiền đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho Nhà máy đường. Còn năm này mong kiếm chút lãi… không ngờ đau quá!”.
Nghe ông Luật than, chúng tôi gặng hỏi sao không tiêu hủy và chuyển sang cây trồng khác? “Tiêu hủy cái con khỉ. Tiêu hủy phải thuê máy cày, cày đi cày lại vài lần. Công sức đâu mà tiêu hủy, tiền đâu mà thuê! Bây giờ nếu có tiêu hủy để chuyển sang trồng mì, ngô, đậu cũng không kịp vì trễ vụ quá rồi. Gia đình không muốn tiêu hủy nhằm vớt vát, sau này bán kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Hơn nữa, chưa nghe thành phố có chính sách hỗ trợ cho người phá mía bị nhiễm bệnh than. Nếu thành phố có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho người phá mía bị nhiễm bệnh thì chúng tôi cày bỏ mía luôn!” - ông Luật than phiền.
Kế bên ruộng ông Luật là ruộng mía của ông A Hoan. Không giữ lại cây mía, ông Hoan cày bỏ mía nhưng không thấy thu gom lại đốt. Một số hộ khác cũng đã cày bỏ ruộng mía (chủ yếu là mía năm thứ 3, thứ 4). Có ruộng mía bà con cày bỏ, gốc mía bị vùi lấp đã lên cây mía non, nhưng không thấy bà con trồng lại cây gì. Ông Ngô Văn Phòng (phường Nguyễn Trãi) - một người có thâm niên thâm canh cây mía nói: “Nhà tôi thuê mướn đất làm 15 ha mía ở cánh đồng Cửu Nghi, xã Đoàn Kết. Năm nay cây mía bị bệnh than nhiều hơn các năm trước. Lúc phát hiện cây mía bị bệnh, tôi báo cho Trạm BVTV. Nhờ gia đình phát hiện sớm, bụi mía nào bị bệnh thì cuốc gốc và thu gom lại đốt nên bệnh than trên cây mía ít lan ra diện rộng”.
Khi hỏi nếu bây giờ tiêu hủy diện tích mía bị nhiễm bệnh nặng có còn kịp không? Cũng như lời ông Luật, ông Phòng khẳng định: “Không kịp nữa rồi. Nếu phá mía để chuyển đổi cây trồng khác thì phải phá đầu tháng 4. Hiện nay đã bước vào mùa mưa, nếu phá mía chỉ có bỏ đất trống bởi khó bố trí cây trồng khác vì sản xuất trễ vụ, không hiệu quả”. Thật vậy, nếu không trễ vụ thì việc tiêu hủy mía bằng các biện pháp cắt mía, cuốc gốc thu gom lại đốt sẽ gặp khó khăn do lá mía, gốc mía khó cháy do trời mưa, độ ẩm cao, mía còn tươi và bệnh than cũng khó triệt tiêu.
Theo Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật thành phố Kon Tum Nguyễn Nghiêm: TP đã có một số xã như Đoàn Kết, Đăk Rơ Wa, phường Nguyễn Trãi… có diện tích mía bị nhiễm nặng từ 50% số khóm trở lên. Tuy nhiên, do cơ quan chức năng loay hoay và chậm trễ trong việc ban hành chính sách hỗ trợ nông dân tiêu hủy nên đến nay dịch bệnh vẫn chưa ngăn chặn và còn lan ra diện rộng.